Lao động tự do loay hoay với nỗi lo chi tiêu Tết

Đặng Thu Hằng
Trong không khí rộn ràng những ngày cận Tết cuối năm, nhiều người lao động tự do thu nhập bấp bênh lại chật vật với nỗi lo về những khoản chi tiêu ngày Tết.

Bà Nguyễn Thị Lan (quê Hưng Yên) vẫn đang rong ruổi khắp các con phố tại Hà Nội với 2 sọt hoa quả. Nhà chỉ có 2 mẹ con, từ nhiều năm trước, bà Lan cùng con gái lên Hà Nội buôn bán lặt vặt hàng rong kiếm sống, thu nhập bấp bênh, hàng hóa lại ế ẩm, với bà Lan, ngoài niềm vui, Tết còn không ít nỗi lo.

“Trước đây, tôi dành cả vốn liếng tích lũy cho con gái và con rể mua xe tải buôn hoa quả, thế nhưng không có kinh nghiệm nên bị lừa một số tiền lớn vài chục triệu đồng. Cả năm nay tôi rong ruổi gánh hàng hoa quả bán rong cũng để gom góp hỗ trợ các con trả nợ. Thông thường cuối năm là thời điểm đắt hàng, thế nhưng từ 2 năm trở lại đây, dịch bệnh, kinh tế khó khăn, khách mua hàng ít hẳn. Nhiều người có điều kiện thì lại lựa chọn mua hoa quả trong các siêu thị lớn để ăn, biếu Tết, nên những người bán hàng rong nhỏ lẻ ế ẩm hơn nhiều. Có nhiều ngày hoa quả không bán được, dập nát lại phải đổ đi, lỗ vốn chứ chưa nói đến lời lãi”, bà Lan ngậm ngùi chia sẻ.

Dự kiến ở lại Hà Nội đến 28 Tết, thời điểm này bà Lan đã tính sẵn những khoản phải chi tiêu ngày Tết khi về quê, nào là tiền mua sắm Tết cho gia đình, tiền mua quà Tết họ hàng 2 bên… Thu nhập bấp bênh, thế nhưng những khoản chi tiêu lại nhiều, với bà Lan, Tết đến mang theo không ít nỗi lo tiền bạc.

Giữa cái lạnh của trời đông những ngày cuối năm, anh Nguyễn Hữu Hùng (Bắc Giang) vẫn thoăn thoắt chế biến những món ăn vặt đến tận 2-3 giờ sáng trên đường Thanh Niên (Tây Hồ, Hà Nội) để tranh thủ kiếm tiền đưa vợ con về quê ăn Tết.

“Tôi hay bán khu vực này, đến tầm 2-3 giờ sáng nhiều người trẻ đi chơi khuya nên sẽ đắt khách hơn. Những ngày đầu bán hàng chưa quen, buồn ngủ nhíu mắt đến nỗi dầu sôi bắn lên bỏng tay mới giật mình tỉnh lại, nhưng thức mãi cũng thành quen. Năm nay kinh tế kém, nhiều người chi tiêu tiết kiệm hơn, nên hàng hóa cũng ế ẩm. Tôi cố gắng bán hàng đến 27 Tết, mong kiếm thêm ít tiền để đưa vợ con về quê ăn Tết, chuẩn bị quà cáp cho nội ngoại 2 bên. Vợ tôi mấy năm nay cũng chưa có cái áo mới diện Tết”, anh Hùng chia sẻ.

Làm phụ xây tại các công trường ở Hà Nội, đến 20 tháng Chạp đã hết việc, nhưng anh Nguyễn Hữu Nhật (Hà Nam) quyết định ở lại đến ngày 29 Tết mới về quê, tranh thủ vài ngày cuối năm đi chạy grab, làm shipper kiếm thêm tiền tiêu Tết cho vợ con ở quê.

“Nếu công việc ổn định thì thu nhập của tôi phải được hơn 10 triệu đồng, có khi 15 triệu, nhưng mấy tháng trở lại đây ít việc, có tháng chưa nổi 10 triệu, trừ đi tiền nhà, tiền điện nước, xăng xe, sinh hoạt, tiết kiệm lắm cũng chỉ gửi về cho vợ con được 3-4 triệu đồng/tháng. Làm tự do, không có thưởng Tết, nên tôi tranh thủ đi chạy grab, shipper để kiếm thêm thu nhập. Cuối năm đông khách, nhiều đơn hàng, có khi kiếm được 700.000-800.000 đồng/ngày. Cố gắng đi làm chục ngày cuối năm, cũng bằng ngày thường làm cả tháng. Nhìn mọi người nô nức về quê ăn Tết, trong lòng cũng muốn về bên gia đình, nhưng vì mưu sinh nên cũng phải cố gắng”, anh Nhật chia sẻ.

Cận Tết, khi nhiều người đang hối hả về với gia đình, thì không ít lao động tự do với thu nhập bấp bênh, không có lương thưởng cố định vẫn đang cố bám trụ lại thành phố với mong muốn gia đình có một cái Tết đủ đầy hơn, con cái của họ có được thêm tấm áo mới, hay vài chiếc bánh chưng…/.