Lao động ồ ạt trở lại làm việc sau Tết, doanh nghiệp tất bật vào 'guồng'

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, hầu hết doanh nghiệp (DN) sản xuất phía Nam đã ra quân sản xuất đầu năm với khí thế sôi nổi, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đề ra và kỳ vọng tăng trưởng cao.

Hứa hẹn nhà máy luôn sáng đèn

Ngày 30/1, tại Khu Công nghệ cao TPHCM (TP Thủ Đức), gần 1.200 cán bộ, người lao động (NLĐ) của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang đã quay trở lại nhà máy ngay sau kỳ nghỉ Tết.

Trên từng dây chuyền sản xuất, các công nhân tập trung cao độ vào công việc, cẩn thận kiểm tra từng thành phẩm… Không khí làm việc hối hả, khẩn trương cùng với quyết tâm của người lao động nhanh chóng đưa sản phẩm chinh phục thị trường trong và ngoài nước.

Ông Trần Bá Linh, Giám đốc sản xuất Công ty Điện Quang cho biết, khi NLĐ trở lại làm việc đều được công ty chúc tết, tặng lì xì lấy lộc đầu năm nên ai cũng phấn khởi. Nhờ chính sách chăm lo chu đáo, gần 100% người lao động đã quay trở lại làm việc. Hiện tại, mọi bộ phận trong Công ty đều nỗ lực thực hiện các mục tiêu phấn đấu năm mới.

Sản xuất tại Công ty TNHH Kyungbang Việt Nam. Ảnh: H.CSản xuất tại Công ty TNHH Kyungbang Việt Nam. Ảnh: H.C

“Trước dự báo của năm 2023 có nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế, chính trị thế giới còn nhiều bất ổn, Công ty Điện Quang sẽ tập trung vào các giải pháp chính như tuyên truyền, vận động NLĐ cùng nhau phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ; tập thể nỗ lực hơn nữa cho những mục tiêu trong năm 2023 để tiếp tục khẳng định thương hiệu, vị thế” - ông Linh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, đã yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo nhanh chóng đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm việc ngay sau khi hết thời gian nghỉ tết, nhất là những công việc liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. “Tỉnh ủy đã đề nghị các đơn vị, địa phương nắm chắc tình hình trở lại hoạt động của DN, NLĐ để kịp thời có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn giúp công nhân yên tâm làm việc sau tết” - ông Thao nói.

Tại Bình Dương, hầu hết nhà máy bắt đầu sản xuất từ mùng 9 tết, NLĐ các tỉnh đã trở lại từ vài ngày trước. Anh Tiêu Văn Đông (quê Cà Mau, công nhân Công ty May mặc Bình Dương), chở vợ con bằng xe máy vượt quãng đường hơn 300km tới Bình Dương, cho biết: “Năm nay công ty cho công nhân nghỉ tròn 2 tuần. Kỳ nghỉ dài nên về quê được nghỉ ngơi thoải mái. Từ ngày mùng 8 tết, vợ chồng tôi đã trở lại để hôm nay vào nhà máy làm việc trở lại”.

Quê ở An Giang, anh Trương Huỳnh Khải Hoàn đến Bình Dương làm công nhân tại Công ty TNHH Bao bì Vĩnh Thành (TX Tân Uyên, Bình Dương) hơn 7 năm. Anh Hoàn cho biết công ty bắt đầu nghỉ từ ngày 26 tết và làm việc trở lại từ ngày mùng 9. “Tôi làm việc ở công ty lương 12 triệu đồng/tháng. Thu nhập ổn định nên đủ trang trải. Ngày đầu đi làm trở lại, ai cũng vui vì được nhận lì xì và gặp gỡ nhau sau kỳ nghỉ tết” - anh Hoàn nói.

Bà Phạm Thị Hồng Nhung, Phó giám đốc Công ty TNHH Bao bì Vĩnh Thành cho biết, công ty có 300 lao động, đều có thâm niên làm việc, lương trung bình từ 10-12 triệu đồng/tháng.

“Chúng tôi không xem công nhân là người làm thuê, ở đây mọi người đều là gia đình. Công ty có chính sách hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn, chế độ lương, thưởng đủ để NLĐ không băn khoăn, lo lắng. Chúng tôi đã có những đơn hàng mới, hứa hẹn một năm nhà máy luôn sáng đèn” - bà Nhung khẳng định.

Công nhân Công ty Điện Quang khẩn trương làm việc ngay từ những ngày đầu năm mới. Ảnh: U.P

Công nhân Công ty Điện Quang khẩn trương làm việc ngay từ những ngày đầu năm mới. Ảnh: U.P

Tại Đồng Nai, dù gặp khó khăn về đơn hàng nhưng hơn 90% NLĐ đã đi làm trở lại. Ông Đinh Sĩ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2) cho biết, DN có khoảng 40.000 lao động đã đi làm trở lại (đạt 99%). Trong ngày đầu tiên làm việc, công ty đã gửi lời chúc tết và lì xì 200.000 đồng/người.

Mở rộng thị trường

Theo Giám đốc Công ty Điện Quang Trần Bá Linh, năm 2022 có nhiều biến động, gây không ít khó khăn cho các DN. Tuy nhiên, với xu hướng tiếp tục đầu tư, chuyển dịch mạnh mẽ chuỗi cung ứng về Việt Nam, chính sách thúc đẩy đầu tư công và ứng dụng chuyển đổi số của Chính phủ, nhu cầu ứng dụng các sản phẩm và giải pháp thông minh ngày càng tăng và dần trở thành nhu cầu tất yếu, tại các doanh nghiệp, khu đô thị, thành phố... là yếu tố tích cực, thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng của ngành điện - điện tử ở hiện tại và tương lai.

Công ty TNHH Pousung Việt Nam (KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) quyết định cho NLĐ nghỉ đến 6/2. Ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch công đoàn Công ty Pousung Việt Nam cho hay, do thiếu đơn hàng, công ty cho NLĐ nghỉ thêm; trong đó tính 3 ngày nghỉ phép năm, 3 ngày nghỉ hưởng lương 180.000 đồng/ngày. Qua tuần sau khi đơn hàng dồi dào, NLĐ sẽ quay lại nhà máy.

Ngoài ra, nhiều DN ngành gỗ gặp khó khăn về đơn hàng nên đã cho NLĐ nghỉ tết dài ngày hơn, dự kiến thời gian quay trở lại làm việc trễ hơn so với các DN ngành giày da, may mặc, điện tử…

MẠNH THẮNG

“Năm nay chúng tôi sẽ đẩy mạnh hợp tác với nhiều đối tác giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ trong và ngoài nước nhằm nhanh chóng khôi phục lại hoạt động kinh doanh sản xuất, cùng bắt tay vượt qua mọi khó khăn trong giai đoạn này” - ông Linh nói.

Công ty Tân Quang Minh đang nhanh chóng ổn định sản xuất để kịp tiến độ giao hàng với trên 90% NLĐ trở lại làm việc sau Tết. Mở rộng thị trường xuất khẩu, DN vừa giữ chân lao động, vừa tuyển thêm hơn 100 công nhân để hoạt động hết công suất.

“Năm 2023 chúng tôi chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu bằng nhãn hiệu của chính mình, xuất đi 2 nước khó tính là Nhật Bản và Singapore. Chúng tôi kỳ vọng doanh số tăng trưởng gấp đôi so với năm 2022” - ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh cho hay.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TPHCM, các DN ngành dệt may đã khởi động các dây chuyền, tái sản xuất đơn hàng. Hiện nay, do ảnh hưởng giảm nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, EU… nên đơn hàng của các DN đang suy giảm. Cụ thể, trong quý 1/2023, chỉ khoảng 60% DN tại TPHCM có đơn hàng. “Ngành dệt may hy vọng sẽ tăng trưởng về đơn hàng vào quý 2. Đến giữa năm trở đi, tình hình sẽ ổn định trở lại bởi nhu cầu tiêu dùng tăng ở hầu hết thị trường” - ông Hồng dự báo.

Vạn việc làm chờ người

Tại tỉnh Bình Dương, tính đến ngày 30/1, địa phương có khoảng 1.000 DN bắt đầu sản xuất trở lại. Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, có 42 công ty với khoảng 8.000 lao động làm việc xuyên tết. Bắt đầu từ ngày 27/1 (mùng 6 tết), nhiều chủ DN tổ chức đón công nhân trở lại nhà máy, dành thời gian gặp gỡ, trò chuyện cùng NLĐ.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, đầu năm mới, các DN trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng thêm 10.000 lao động (nhiều nhất là ngành cơ khí, may mặc, điện tử). Đây là cơ hội cho những lao động thất nghiệp trở lại Bình Dương tìm việc làm vào đầu năm mới.

Ông Nông Văn Dũng, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai cho biết: “Tính đến 30/1, NLĐ quay trở lại nhà máy đạt gần 99%. Số lao động còn thiếu là do nghỉ tết kết hợp với nghỉ phép năm. Các DN tổ chức đưa đón công nhân về quê đều trở lại đầy đủ. Trong khi đó, chỉ mới có khoảng 80% DN hoạt động trở lại. Ngoài ra, rất ít DN có nhu cầu tuyển dụng lao động đầu năm”.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, sau tết có khoảng 13.000-14.000 việc làm chờ NLĐ.

Theo ông Lâm, tình trạng đổi việc, nhảy việc sau tết hầu như không còn, đa số công nhân mong muốn có việc làm ổn định.

“Nhiều lao động ở lại thành phố dịp tết, DN có được đơn hàng ngay trước tết nên tình hình diễn biến tích cực hơn. Các nhà máy khuyến khích lao động quay lại làm việc đúng ngày, tổ chức lì xì, quay số may mắn, tặng quà đầu năm. Các chính sách chăm lo tốt đã giúp người lao động gắn bó hơn với DN” - ông Lâm cho biết.

Theo báo Tiền Phong