Làng cá chép Tân Cổ rộn ràng ngày Tết ông Công ông Táo

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Những ngày cận Tết ông Công, ông Táo 23 tháng Chạp, làng nuôi cá chép đỏ Tân Cổ (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) lại tất bật hơn bao giờ hết, rộn ràng kẻ bán người mua.

Đã như một thương hiệu nổi tiếng về nghề nuôi cá chép đỏ tại Thanh Hóa, cứ nhắc đến nơi sản xuất “phương tiện” đưa ông Táo về trời thì người ta lại về làng Tân Cổ (xã quảng Tân, huyện Quảng Xương) để tìm mua cá.

IMG_0912
Làng cá chép Tân Cổ (xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) tất bật vào vụ Tết.

Đến hẹn lại lên, những ngày này, làng nuôi cá ông Công, ông Táo ở đây lại tất bật, nhộn nhịp. Từ 15 – 22 tháng Chạp hằng năm, làng cá chép Tân Cổ ngập tràn không khí rộn ràng kẻ bán người mua.

IMG_0818
Từ ngày 15 - 22 tháng Chạp, người dân làng Tân Cổ bắt đầu vụ thu hoạch cá chép.

Ngay từ đầu giờ sáng, hàng loạt xe tải từ khắp nơi tìm về đây thu mua cá chép.

Vừa hút ao để chuẩn bị bắt 5 tạ cá, ông Lê Hữu Thọ vui mừng chia sẻ: “Năm nay nhà tôi nuôi khoảng 5 tạ, dự là sẽ thiếu. Cá khi đánh lên sẽ có giá khoảng 100.000 đồng/kg. Năm 2018, có thời điểm, giá cá lên đến 140-150.000 đồng/kg”.

IMG_0816
Cá chép sau khi được thu hoạch sẽ được đưa vào tráng lưới để chờ lái buôn đến thu mua.

Tại làng Tân Cổ, khoảng 80% các hộ dân sống chủ yếu bằng nghề nuôi cá chép. Mỗi nhà có từ 3 -4 cái ao để thả cá. Theo người dân địa phương, đây là một trong những nét đẹp cổ truyền mà cha ông để lại. Nuôi cá chép đã gắn bó với người dân nơi đây như một nghề khó có thể phai nhạt. Và đây cũng là nguồn thu nhập lớn giúp bà con nơi đây có một cái Tết no đủ, ấm áp.

IMG_0807

Cá chép làng Tân Cổ không chỉ được bán trên thị trường tỉnh Thanh Hóa mà còn được các lái buôn từ các tỉnh lân cận như Ninh Bình, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh thu mua.

IMG_0799
Đây là nghề cổ truyền mà người dân làng Tân Cổ đã gắn bó với bao thế hệ.

Tùng Nguyễn