Tại huyện Gia Viễn (Ninh Bình), thực hiện chương trình trồng một tỷ cây xanh, giai đoạn 2021-2025, các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân trong huyện đã tích cực tham gia đẩy mạnh phong trào trồng cây gây rừng, góp phần xây dựng Ninh Bình phát triển toàn diện, bền vững, bảo đảm môi trường xanh-sạch-đẹp. Hiện nay, toàn huyện có chín xã có diện tích rừng, tỷ lệ bao phủ rừng toàn huyện đạt hơn 16,5%. Hai năm 2021 và 2022, toàn huyện đã trồng khoảng 381.000 cây phân tán các loại. Với phương châm trồng cây phải phù hợp từng địa điểm, điều kiện của từng nơi, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, huyện đã chỉ đạo các cấp thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ rừng, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả của việc trồng rừng gắn với bảo vệ tài nguyên rừng hiện có, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái và giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Bác Nguyễn Quang Hiển, cựu chiến binh, ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn chia sẻ: "Xuân Quý Mão 2023, người dân địa phương hân hoan hơn với nhiều tuyến đường khang trang, sạch đẹp. Gia đình tôi cũng góp phần làm đẹp đường làng, ngõ xóm bằng việc trồng thêm một số cây hoa trước cổng nhà". Theo bác Hiển, ngay buổi làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, nhân dân xã Gia Sinh đã nô nức hưởng ứng Tết trồng cây theo lời kêu gọi của Bác Hồ.
Không chỉ được triển khai tại các địa phương, nét đẹp trồng cây đầu xuân cũng được các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân Thủ đô tích cực tham gia. Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu xuân năm mới Quý Mão 2023, quận Hà Đông tổ chức lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ".
Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận Hà Đông, năm 2023, quận Hà Đông phấn đấu trồng mới 1.204 cây xanh các loại, góp phần cùng cả nước trồng mới một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, quận đặt mục tiêu trồng mới từ 200.000-250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến đường giao thông đô thị của thành phố. Để thể hiện sự thống nhất cao trong ý chí và hành động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, quận Hà Đông đã giao các cấp, ngành, phòng, ban, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, trường học trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc trồng cây. Mỗi cơ quan, đơn vị, trường học, Ủy ban nhân dân các phường phát động phong trào trồng cây xanh ở trụ sở đơn vị mình. Tổ chức trồng cây theo kế hoạch, phù hợp tình hình thực tế. Tiến hành chăm sóc các cây đã được trồng, bảo đảm "trồng cây nào tốt cây ấy". Vận động các hộ dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.
Trong bối cảnh Việt Nam đang là một trong những nước gánh chịu hậu quả nặng nề nhất do biến đổi khí hậu cùng những diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình thời tiết, việc trồng cây gây rừng gắn với đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây càng trở nên có ý nghĩa quan trọng, cấp bách. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc tổ chức Tết trồng cây tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị đang dần có chiều hướng mang tính hình thức, hiệu quả không cao. Ở một số nơi, việc phát động Tết trồng cây được tổ chức rầm rộ, phô trương song công tác chăm sóc, bảo vệ cây xanh lại không được coi trọng. Cũng có nơi do quy hoạch tổng thể trồng cây xanh chưa tốt nên trồng cây được một thời gian lại phải chặt bỏ để lấy đất thực hiện dự án khác. Mặt khác, việc trồng cây chưa gắn với việc chăm sóc, bảo vệ cây, nên ở một số nơi tỷ lệ cây trồng sống đạt thấp, nhất là việc thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng khác mấy năm gần đây đều không đạt kế hoạch. Tình trạng phá rừng, cháy rừng còn diễn ra phức tạp ở một số địa phương… Những bất cập đó đã và đang gây ra những hạn chế không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả phong trào Tết trồng cây tại nhiều địa phương trên cả nước.
Để Tết trồng cây không chỉ mang lại những hiệu quả thiết thực cho đời sống môi trường, mà còn trở thành nét đẹp văn hóa trong những ngày đầu xuân, các địa phương, các cấp, các ngành cần chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi tầng lớp nhân dân có thể nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của việc trồng cây gây rừng. Thông qua tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng và từng cá nhân trong tham gia Tết trồng cây cũng như tích cực chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Cùng với đó, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần chủ động xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng bám sát đặc điểm, tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Việc trồng cây cần gắn với triển khai thực hiện các kế hoạch trồng, bảo vệ rừng như: Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, kế hoạch trồng rừng thay thế… Đồng thời, chú ý phân công rõ ràng, cụ thể trách nhiệm chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây xanh cho các tổ chức, các lực lượng, các tổ dân cư và từng hộ gia đình; kịp thời biểu dương những điển hình tập thể, cá nhân làm tốt công tác trồng cây gây rừng.
Theo báo Nhân dân