Làn sóng cắt giảm lao động, khẩn trương tìm giải pháp an sinh xã hội

Nguyễn Diệp Linh
Trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp thiếu đơn hàng, phải cắt giảm lao động thì vai trò của cơ quan, chính quyền về lao động cần được phát huy hơn nữa.

Doanh nghiệp khó khăn, người lao động loay hoay

Tình trạng thiếu hụt đơn hàng từ cuối năm 2022 vẫn đang tiếp diễn khiến nhiều doanh nghiệp phía Nam liên tục thu hẹp quy mô sản xuất, sa thải lao động, giảm giờ làm. Kể từ 31/3 này, xưởng gia công đế giày Công ty TW MTC tại KCN Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai với 800 lao động sẽ ngừng sản xuất vì thiếu đơn hàng.

Doanh nghiệp này khuyến khích người lao động nghỉ việc và có chính sách hỗ trợ nửa tháng lương/năm đối với lao động làm việc dưới 20 năm và 1 tháng lương/năm đối với lao động làm việc từ 20 năm trở lên. Trường hợp người lao động muốn tiếp tục làm việc thì chuyển về làm ở nhà máy tại Tp.Cần Thơ.

Cũng tại tỉnh Đồng Nai, Công ty Taekwang Vina cũng không có nhiều đơn hàng. Để duy trì sản xuất, công ty phải cho lao động nghỉ thêm ngày thứ Bảy trong tuần và được hưởng lương nghỉ việc. Công ty đang cố gắng duy trì sản xuất, còn sắp đến như thế nào thì tùy vào tình hình đơn hàng.

Trước khó khăn về đơn hàng, nhiều doanh nghiệp ứng biến để không tái diễn làn sóng sa thải lao động, cố gắng giữ việc cho công nhân. Ông Phùng Quốc Cường, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Bảo Hưng cho biết, dù đã tránh được tình trạng sụt giảm đơn hàng những tháng cuối năm 2022 nhưng bước sang năm 2023, doanh ngiệp này không thể duy trì được lực lượng nhân công và thời gian làm việc, tăng ca của người lao động.

“Đơn hàng giảm từ 20-25% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu từ Mỹ - thị trường chiếm khoảng 50% lượng đơn hàng của công ty. Điều này buộc doanh nghiệp phải giảm giờ làm với người lao động”, ông Cường nói.

Theo đại diện Sở LĐ,TB&XH tỉnh Đồng Nai, những doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng đã áp dụng hình thức chỉ làm đủ 48 giờ/tuần và không còn tăng ca như trước. Tại nhiều công ty, công nhân chỉ đi làm 4-5 ngày/tuần.

Ông Nông Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Đồng Nai cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 3.000 lao động mất việc làm do doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng. Tình trạng giảm giờ làm, cắt giảm lao động chủ yếu rơi vào ngành sản xuất gỗ, da giày và các doanh nghiệp quy mô nhỏ.

Khi công nhân “đỏ mắt” tìm việc làm

Tại Tp.HCM, khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM (HUBA) với hơn 100 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố này công bố đầu tháng 3/2023 cho thấy, nhiều đơn vị đang dừng ký hợp đồng lao động với số lượng lớn. HUBA đánh giá đây là điều bất thường so với các năm trước.

“Số doanh nghiệp có mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng giảm từ 80% của quý II/2022 xuống còn 65% của quý này. Đây là tín hiệu báo động của thị trường lao động đối diện nhiều khó khăn sắp tới”, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA đánh giá.

Từ sau Tết nguyên đán 2023 đến nay, mỗi ngày ở các khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương như: VSIP, Đại Đăng, Sóng Thần, Kim Huy… đều có nhiều người cầm hồ sơ đến xin việc.

Anh Trần Hữu Duật, quê Đồng Tháp chia sẻ: “Tôi từng làm việc tại Công ty TNHH APRo Technology ở Tx.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Cuối năm 2022, do công ty thiếu đơn hàng, tôi thuộc diện cắt giảm biên chế nên trở về quê. Sau Tết, tôi trở lại Bình Dương tìm việc nhưng hơn một tháng nay chưa nơi nào nhận”.

Còn chị Nguyễn Thị Tuyết, quê tỉnh Sóc Trăng đứng trước cổng Công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam, Tp.Thuận An, tỉnh Bình Dương cho hay, nghe tin công ty tuyển lao động phổ thông không cần bằng cấp, chị đến rất sớm để nộp hồ sơ nhưng bảo vệ nói đã nhận đủ.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở LĐ,TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, năm nay số doanh nghiệp kết nối tuyển dụng lao động với trung tâm khá ít, trong khi số lao động cần việc làm rất đông.

Còn tại các buổi kết nối việc làm ở Trung tâm Dịch vụ việc làm, thuộc Sở LĐ,TB&XH Tp.HCM diễn ra trong tháng 3/2023, số người đến tìm việc khá nhiều nhưng tỷ lệ đáp ứng yêu cầu khá khiêm tốn.

Chung tay tìm giải pháp việc làm cho người lao động

Trước thực tế nhiều lao động cần việc làm, lãnh đạo Sở LĐ,TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường kết nối với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để thông tin trên website, dán thông báo để người lao động biết và nộp hồ sơ.

Hiện nay, trung tâm đang lấy dữ liệu từ app việc làm, tìm việc làm để kết nối, đồng bộ với Trung tâm Giám sát và Điều hành thông minh (IOC) của tỉnh, từ đó mọi người dễ dàng tiếp cận, tìm việc làm phù hợp. Đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp tìm được nhân lực như mong muốn.

Dân sinh - Làn sóng cắt giảm lao động, khẩn trương tìm giải pháp an sinh xã hội

Các địa phương phía Nam đang nỗ lực kết nối việc làm cho người lao động.

Ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Bình Dương chia sẻ, qua thống kê, lao động qua đào tạo ở tỉnh Bình Dương đạt hơn 80% nhưng lao động có chứng chỉ, bằng cấp chưa đầy 40%.

"Sở đã chỉ đạo cho các trường nghề, trường cao đẳng công lập, ngoài công lập và các trường trung cấp tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đổi mới phương pháp đào tạo để làm sao đội ngũ công nhân lành nghề trình độ cao ngày càng cao hơn, phục vụ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”, ông Tài cho hay.

Ông Tài cũng cho biết, để đáp ứng kịp thời nhu cầu lao động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Sở này đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện nhiều giải pháp ổn định tình hình lao động và việc làm, như: thu thập thông tin việc làm trống của các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng tại tỉnh, nhất là các vị trí việc làm có tính thời vụ để tuyên truyền đến người lao động; đẩy mạnh công tác kết nối cung - cầu, kết nối với doanh nghiệp khác hiện đang có nhu cầu tuyển dụng, giúp người lao động mất việc có cơ hội quay trở lại thị trường lao động.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương đang tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến, tổ chức phỏng vấn online hàng ngày hỗ trợ lao động đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp có cơ hội tiếp cận ngay với doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tư vấn kịp thời cho những doanh nghiệp có cắt giảm lao động về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên cùng địa bàn; về thủ tục giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động...

Còn tại Tp.HCM, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Tp.HCM thông tin, theo kế hoạch Trung tâm Việc làm Tp.HCM sẽ có hơn 120 sàn giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến.

Cuối tháng 3/2023 sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm chuyên đề cho bộ đội xuất ngũ. Cuối tháng 3, đầu tháng 4/2023 sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm chuyên đề cho ngành du lịch trên đại bàn Tp.HCM.

Lo ngại gia tăng rút BHXH một lần

Nếu tình hình cắt giảm lao động như hiện nay còn kéo dài, các chuyên gia dự báo khả năng xảy ra tình trạng gia tăng rút BHXH một lần. PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng viện Nghiên cứu đời sống xã hội cho biết: “Có 3 yếu tố để đánh giá xu hướng rút bảo hiểm xã hội một lần sắp tới là tình trạng công việc, khả năng cầm cự của người lao động và mức độ tin cậy vào hệ thống bảo hiểm. Thời gian sắp tới, hội đủ cả 3 yếu tố này nên khả năng làn sóng rút bảo hiểm sẽ rất dữ dội".

Còn ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Tp.HCM đánh giá, nhìn vào số người rút bảo hiểm có thể thấy được tình hình kinh tế một năm trước đó. Ví dụ, nửa đầu năm ngoái kinh tế phục hồi tốt, số người mất việc ít nên đầu năm nay số người nhận trợ cấp cũng thấp. Ngược lại vào năm 2020-2021 khi dịch bắt đầu lan rộng, nhiều công ty chấm dứt hợp đồng với lao động, khiến số người nhận bảo hiểm ở cùng kỳ năm sau tăng theo.

Theo Người Đưa Tin