Lâm Đồng: Những mô hình nhân đạo góp phần xây dựng nông thôn mới

Tạp Chí Nhân Đạo
Trong những năm qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng thường xuyên chỉ đạo thực hiện tốt công tác xã hội nhân đạo và vận động xây dựng quỹ cho hoạt động Chữ thập đỏ; tạo ra ngày càng nhiều nguồn lực về tiền, hàng để chủ động ứng phó với những thách thức và tình huống trong các hoạt động nhân đạo, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động, các cấp Hội đã tích cực tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương để có sự quan tâm chỉ đạo, các Ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy, các huyện, thành ủy, các đoàn thể chính trị đã tham gia vào cuộc; vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để hỗ trợ, giúp đỡ địa chỉ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Kết quả đã vận động giúp đỡ được 7.561 địa chỉ nhân đạo, trong đó xây dựng 244 căn nhà tình thương, sửa chữa trên 200 căn nhà, hỗ trợ trên 900 suất học bổng, hỗ trợ khám sàng lọc 885 và mổ tim cho 64 trường hợp. 


Kiểm tra mô hình nuôi dê tại huyện Bảo Lâm.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, hàng năm, các cấp Hội đều có kế hoạch phân bổ chỉ tiêu thực hiện các công trình, mô hình nhân đạo phát triển cộng đồng, như: Vận động kinh phí xây dựng đường giao thông nông thôn tại Đức Trọng với số tiền 70.000.000 đồng; Vận động xây nhà nội trú cho các em học sinh trường Tiểu học Chơ ré, xã Đa Quyn, trị giá 270 triệu đồng; Làm 04 giếng khoan nước sạch cho bà con vùng sâu, vùng xa huyện Di Linh, Lâm Hà;  “Giọt nước Nghĩa tình” tại Đơn Dương và Đam Rông; Trên 200 công trình “Sân xi măng” cho hộ nghèo, khó khăn tại Đam Rông; 20 hố rác và 10 lò đốt rác hộ gia đình tại Đạ Tẻh; “Tủ thuốc gia đình”, trên 90 đèn điện năng lượng thắp sáng đường đi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đam Rông; Mô hình “Tủ quần áo từ thiện” đến nay đã có 5 tủ quần áo hàng ngày hỗ trợ hàng trăm bộ quần áo cho người nghèo khó khăn;… 
Thực hiện Dự án “Cứu trợ khẩn cấp sau mưa lũ”, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã cấp cho người dân 04 xã, thị trấn của hai huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên bị thiệt hai do mưa lũ 500 gói bột lọc nước, tổ chức 16 buổi truyền thông về nước sạch, vệ sinh môi trường với gần 1.000 người tham dự. Tất cả các hoạt động, công trình, mô hình nhân đạo phát triển cộng đồng này đã góp phần tích cực vào thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.


Công trình sân xi măng cho đồng bào dân tộc huyện Đam Rông.

Ông Rơ Tung Ha Bông, thôn 2, xã Rô Men, huyện Đam Rông được Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ làm Sân xi măng chia sẻ: Làm Sân xi măng rất thiết thực trong việc cải thiện môi trường sống gia đình, có nơi sạch sẽ cho trẻ em vui chơi, làm sân phơi khi thu hoạch mùa màng về, từng bước thay đổi thói quen, phong tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đam Rông chia sẻ: Mô hình “Mặt trời đêm đến với buôn làng” đã mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Mô hình này vừa thắp sáng đường làng, vừa phòng, chống tệ nạn xã hội, tại nạn giao thông, mang lại hiệu quả bền vững và lâu dài.
Ông Lê Thanh Bảo - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP. Đà Lạt cho biết: Thành hội đã tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, như trồng 100 cây Mai anh cho Đà Lạt thêm xanh, tổ chức chiến dịch “Vì một Đà Lạt khỏe - đẹp - chất”, tổ chức 5 buổi ra quân dọn vệ sinh ở khu vực gần thác, suối Cam Ly Đà Lạt,.. góp phần xây dựng thành phố thêm đẹp và văn minh hơn.


Phối hợp với Báo Lâm Đồng trao tiền cho địa chỉ nhân đạo bị bệnh tim bẩm sinh của huyện Lâm Hà tại Bệnh viên Nhi Lâm Đồng.

Mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, như “Nuôi dê sinh sản” với 28 con dê cho 14 hộ gia đình khó khăn để phát triển kinh tế gia đình ở Đơn Dương, Di Linh, Bảo Lâm. Hội Chữ thập đỏ cơ sở huyện Đức Trọng đã triển khai và duy trì có hiệu quả mô hình “Nuôi bò sinh sản” với 25 con bò mẹ, sau khi bò sinh sản đã được luân chuyển đến các hộ nghèo trong toàn huyện góp phần xóa nghèo. Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ đã vận động Quỹ tín dụng nhân dân Liên Hiệp giải ngân 01 tỷ đồng cho hội viên nghèo vay cải thiện sản xuất, chăn nuôi. Mô hình “Hỗ trợ vốn thoát nghèo” của Hội Chữ thập đỏ xã Mỹ Đức huyện Đạ Tẻh, mỗi hội viên đóng góp số tiền 500.000 đồng/hội viên, đến nay mỗi chi hội đã có từ 10 đến 75 triệu đồng cho hội viên vay để phát triển kinh tế hộ gia đình, từ nguồn vốn này, đã có nhiều hội viên thoát nghèo.
Dự án “Ngân hàng bò” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động, tài trợ 1.300.000.000 đồng, Hội Chữ thập đỏ huyện Đam Rông phối hợp với các ngành chức năng của huyện tổ chức khảo sát, xét chọn và tiến hành các thủ tục trao 100 con bò giống cho hộ hưởng lợi trong tiêu chí dự án, trị giá mỗi con bò 13.000.000 đồng. Ngoài ra, Hội vận động Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội hỗ trợ 5 con bò giống sinh sản, mỗi con 15 triệu đồng, tổng trị giá 75.000.000 đồng. Dự án đã kịp thời giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Ông Đỗ Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng cho biết: Với những kết quả đạt được trong thời gian quan, Hội tiếp tục nhân rộng các mô hình, xây dựng các công trình, mô hình nhân đạo phát triển cộng đồng mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Trung ương Hội triển khai, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Hoàng Văn Khôi