Nổi bật trong công tác lập pháp là Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Sau 3 kỳ họp với tinh thần trách nhiệm cao, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu, quan điểm đặt ra.
Luật đã thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, cụ thể hóa Hiến pháp; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, với mục tiêu lấy người bệnh là trung tâm nên tất cả các quy định trong Luật này đều hướng tới sự an toàn cho bệnh nhân. Luật đã xây dựng được khung pháp lý cơ bản, quan trọng nhất, từ đó Chính phủ có hướng dẫn cụ thể trong quá trình tổ chức thực hiện.
Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng được thông qua vào chiều 9/1/2023. Đây là lần đầu tiên Quy hoạch tổng thể quốc gia được lập và ban hành, định ra các kịch bản phát triển, các định hướng phát triển của đất nước trong 10, 30 năm tới.
Trong quá trình thảo luận trước khi thông qua dự án luật này, các đại biểu Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về các quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển; dự báo xu thế và các kịch bản phát triển; định hướng về phát triển không gian kinh tế - xã hội; không gian biển; định hướng sử dụng đất quốc gia, khai thác và sử dụng vùng trời, phân vùng và liên kết vùng; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; định hướng phát triển ngành hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia; định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia trong thời kỳ cũng như giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch Tổng thể quốc gia…
Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia hết sức quan trọng để từ nền tảng này làm căn cứ xây dựng các quy hoạch khác. Theo đại biểu, nếu thiếu quy hoạch tổng thể quốc gia hoặc tiến hành chậm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến những quy hoạch tiếp theo, cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước trong những năm sắp tới.
Thảo luận về Nghị quyết tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024, đa số đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết này.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên - Huế) cho rằng trong thời gian qua, dịch COVID-19 đã khiến cho công tác chăm sóc bệnh nhân gặp một số khó khăn do thiếu một số thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết này là hết sức cần thiết. Việc làm này đã giải quyết được vấn đề cấp bách trong đời sống hiện nay là đảm bảo việc khám, chữa bệnh, điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nghị quyết có hiệu lực ngay từ ngày Quốc hội thông qua. Trong Nghị quyết, Quốc hội cho phép các chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 được tiếp tục thực hiện từ 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Một trong ba Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp lần này liên quan đến việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan và chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.
Trước đó, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về vấn đề bổ sung vốn viện trợ nước ngoài chưa có trong dự toán, đây là những khoản viện trợ không có dự toán trước, do các tổ chức nước ngoài tài trợ khi có những vấn đề nổi lên, thường là bất thường và nhỏ lẻ. Vì vậy, Nhà nước bị động trong việc lập dự toán. Trong năm 2021 và 2022, nguồn này chủ yếu là tài trợ, ủng hộ cho việc phòng, chống dịch COVID-19. Khi đó, tình hình hết sức cấp bách, đòi hỏi phải có phản ứng nhanh chóng, kịp thời; vì lợi ích của nhân dân, để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe, tính mạng của nhân dân, có lúc đã phải thực hiện từ trước, để sau đó hoàn thiện thủ tục sau, đáp ứng yêu cầu thực tế.
Về vấn đề điều chỉnh dự toán, Bộ trưởng cho biết, nếu đưa sang năm 2023 sẽ ảnh hưởng bội chi. Vừa qua, có một số tỉnh triển khai không hết nguồn vốn, phải trả lại, một số tỉnh thiếu, cần thêm nguồn vốn. Bộ Tài chính đã tổng hợp dữ liệu từ các tỉnh để đề xuất có sự điều chỉnh phù hợp, trình Quốc hội xem xét, quyết định để đảm bảo sự phát triển cân bằng, bền vững của các tỉnh, địa phương trên cả nước…
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm hai Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với hai đồng chí Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang. Phát biểu nhận nhiệm vụ ngay trong chiều 9/1 tại Trụ sở Chính phủ, hai Phó Thủ tướng đã khẳng định sẽ nỗ lực cố gắng, toàn tâm, toàn ý, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân giao phó.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc Quốc hội xem xét, quyết định 5 vấn đề lớn, quan trọng và cấp bách sẽ góp phần tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo.
Để hiện thực hóa đồng bộ và hiệu quả các quyết sách tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sẽ tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các Luật, Nghị quyết vừa được thông qua vào cuộc sống, nhất là trong bối cảnh năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường...
Với việc hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra trong bốn ngày làm việc, Kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội khóa XV đã kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách, quan trọng của đất nước ngay trong những ngày đầu năm mới với tinh thần “từ sớm, từ xa”; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, kiến tạo các không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới.