Kiểm tra toàn quốc về quản lý tiền công đức

Đặng Thu Hằng
Hai bộ Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch kiểm tra tổng thể về quản lý tiền công đức tại di tích lịch sử, văn hóa, đình chùa trên toàn quốc, Thủ tướng chỉ đạo.

Ngày 7/3, Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh hồi giữa tháng 2. Kết quả kiểm tra tiền công đức được báo cáo Thủ tướng trong quý II/2023.

Chỉ đạo của Thủ tướng đưa ra hai tháng sau khi Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Theo đó nếu tiền công đức được chuyển khoản hoặc qua hình thức thanh toán điện tử, người tiếp nhận phải mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại.

Với tiền mặt, người tiếp nhận mở sổ ghi chép đầy đủ. Tiền trong hòm công đức phải kiểm đếm hàng ngày hoặc hàng tuần, ghi tổng số tiền. Các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định tại di tích cũng được thu gom, kiểm đếm.

Tiền công đức chưa sử dụng phải gửi vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để an toàn, minh bạch. Người tiếp nhận công đức bằng giấy tờ có giá hoặc kim khí quý, đá quý cũng phải mở sổ ghi chép.

Lễ hội xuân Yên Tử, TP Uông Bí, khai mạc sáng mùng 10 tháng giêng (31/1/2023). Ảnh: Giang Huy

Lễ hội xuân Yên Tử, TP Uông Bí, Quảng Ninh, khai mạc sáng mùng 10 tháng giêng (31/1/2023). Ảnh: Giang Huy

Tại thông báo hôm nay, lãnh đạo Chính phủ giao tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương hoàn thiện hồ sơ đề cử UNESCO công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc là di sản thế giới.

Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch cùng địa phương xây dựng đề án thí điểm phát triển công nghiệp văn hóa. Quảng Ninh cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, tầm cỡ quốc tế. Tỉnh tiếp tục phát triển hạ tầng, trong đó ưu tiên hoàn thành đường ven sông kết nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều; đường kết nối với Lạng Sơn, Bắc Giang.

GRDP của Quảng Ninh tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2016-2022; năm 2022 đạt 10,28%. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 ước đạt 269.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD, gấp đôi bình quân chung cả nước.

Tuy nhiên, tỉnh đang gặp khó khăn khi mô hình tăng trưởng ngày càng thách thức; huy động nguồn lực qua hợp tác công tư có dấu hiệu chững lại; bất cập giữa khai thác than và phát triển du lịch đặt ra vấn đề môi trường cần giải quyết; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chậm cải thiện.