Sẽ kiểm tra ở mức độ khác nhau
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên phạm vi toàn quốc, thí điểm từ tỉnh Quảng Ninh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II/2023.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC (Thông tư 04) về hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 19.3 tới đây.
Ngày 9.3, trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Vũ Thị Hải Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) - đã có những trao đổi xung quanh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về kiểm tra quản lý tiền công đức. Bởi đang có những băn khoăn, việc kiểm tra này có bị vênh so với Thông tư 04 khi cơ quan chức năng trước đó nhiều lần khẳng định, Nhà nước không quản lý tiền công đức của cơ sở tôn giáo. Theo đó, bà Vũ Thị Hải Yến cho hay, việc kiểm tra sẽ diễn ra ở mức độ khác nhau.
"Nếu cơ sở tôn giáo nằm trong phạm vi địa bàn di tích được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý thì phải có trách nhiệm công khai, minh bạch, mở sổ sách và như theo quy định của Thông tư 04 phải trích một phần tiền công đức chi cho hoạt động chung như sửa chữa, duy tu đường sá, công trình, các hoạt động an ninh trật tự, lễ hội.
Còn nếu cơ sở tôn giáo không có ban quản lý công lập thì theo chế độ tự quản, không phải đóng góp, nhưng vẫn phải mở sổ sách, công khai, minh bạch và các cơ quan Nhà nước yêu cầu báo cáo thì phải báo cáo" - bà Vũ Thị Hải Yến nói với Lao Động.
Về lộ trình thực hiện, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) - cho biết thêm, phía Bộ Tài chính sẽ làm đề cương để yêu cầu Quảng Ninh hướng dẫn các cơ sở di tích báo cáo. Dự kiến, đầu tháng 5, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra khảo sát tại Quảng Ninh và tháng 6 sẽ trình cấp trên về kế hoạch kiểm tra tổng thể trên phạm vi toàn quốc về quản lý tiền công đức.
Hướng tới sự minh bạch
Theo Bộ Tài chính, số liệu thống kê cho thấy, cả nước hiện nay có gần 9.000 lễ hội, trong đó có khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng, ngoài ra có gần 30 lễ hội du nhập từ nước ngoài.
Về di tích, cả nước có trên 10.000 di tích đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, gần 4.000 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia, 123 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; đồng thời có trên 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Việc quản lý, minh bạch tiền công đức là sự trăn trở đối với cơ quan chức năng và cả xã hội trong nhiều năm qua. Với sự ra đời của Thông tư 04, đại diện Bộ Tài chính khẳng định là thực sự cần thiết, tạo hành lang pháp lý và tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức tham gia đóng góp phát triển văn hóa đất nước. Đặc biệt, quy định mới được kỳ vọng tạo ra sự tin tưởng, minh bạch trong các hoạt động này, giúp đóng góp tích cực hơn cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích và lễ hội nói riêng, phát triển văn hóa của đất nước nói chung.
Đại diện Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, quan điểm Nhà nước là không quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đối với cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội (bao gồm cả việc tự quyết định về nội dung chi và mức chi cho hoạt động lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích), bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.