Khuyến cáo phòng chống tai nạn đuối nước

Nguyễn Diệp Linh
Thời điểm mùa hè nắng nóng, cũng là lúc nhiều người dân, nhất là các em học sinh thường rủ nhau đi bơi, đi tắm ở nhiều khu vực ao hồ, sông suối... do đó tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước.

Năm 2023, tình hình thiên tai đang được dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, việc giáo dục, trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng ứng phó với thảm họa, thiên tai như bão, lũ lụt... là vô cùng quan trọng.

Nhiều địa phương tổ chức huấn luyện phòng chống tai nạn đuối nước cho các em học sinh

Trong tháng 5/2023, nhiều địa phương đã lên kế hoạch tổ chức các đợt tuyên truyền, giáo dục, giảng dạy các kỹ năng kỹ năng phòng chống đuối nước cho các em học sinh trên địa bàn.

Theo đó, thực hiện kế hoạch, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với UBND các phường, xã, Phòng Giáo dục và Đào tạo, ban giám hiệu các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tổ chức nhiều lớp ngoại khóa cho các em học sinh trên địa bàn thành phố nhằm tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho các em học sinh.

Cụ thể, trong các ngày 15 và 16/5, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp tổ chức chương trình ngoại khóa tuyên truyền, phố biến kiến thức, trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh các trường học trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa.

Gần 2.000 học sinh thuộc các trường tiểu học Quảng Đông, THCS Quảng Hưng và THCS Đông Hải đã tham gia các buổi ngoại khóa.

Trong khuôn khổ các lớp ngoại khóa, cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Thanh Hóa đã tuyên truyền, giáo dục, trang bị các kiến thức về phòng, chống đuối nước cho học sinh, phân tích các nguy cơ xảy ra đuối nước đối với trẻ em hiện nay, những khuyến cáo để tránh và giảm thiểu tối đa các tai nạn đuối nước có thể xảy ra, nhất là trong dịp hè này.

Tại Đà Nẵng, ngày 15/5, Công an quận Ngũ Hành Sơn phối hợp với Trường tiểu học Trần Quang Diệu (P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) tổ chức tuyên truyền kiến thức, kỹ năng cứu nạn, cứu hộ đối với người bị đuối nước và tai nạn thương tích cho hơn 700 người là cán bộ, giáo viên và học sinh của nhà trường.

Thông qua buổi tuyên truyền, giúp cho các em học sinh cũng như cán bộ giáo viên nắm bắt được kiến thức cơ bản về phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích trước kỳ nghỉ hè đến.

Để bảo đảm an toàn sức khỏe và phòng tránh tai nạn đuối nước, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nâng cao các kỹ năng, biện pháp tự bảo vệ phòng chống tai nạn đuối nước.

Một số điều cần lưu ý để phòng chống tai nạn đuối nước

Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không; nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi hoặc đi tàu thuyền; không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước; chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát.

Đối với trẻ nhỏ, khi đi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm công việc khác như đọc sách, sử dụng điện thoại…; phải mặc áo phao khi bơi; không cho trẻ nhai kẹo cao su khi bơi; nhà có trẻ nhỏ, tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như ở vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên dùng nắp che đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.

Nhà có hồ bơi phải rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không tự ý mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào. Tại các sông, ao, hồ, kênh nước… phải đặt biển cảnh báo nguy hiểm.

Về phía gia đình, cha mẹ phải thường xuyên giám sát, chủ động nhắc nhở, dạy bảo, răn đe con em về hành vi tắm mát, bơi lội tại các ao, hồ, sông, suối; trang bị cho trẻ được biết về các nguy cơ có thể xảy ra khi đến gần những nơi có mặt nước hở để nâng cao tính cảnh giác…

Tham khảo các bước thoát hiểm khi bị đuối nước. Nguồn: Bộ Y tế.Tham khảo các bước thoát hiểm khi bị đuối nước. Nguồn: Bộ Y tế.

Khi gặp trường hợp nạn nhân bị đuối nước, nếu không biết bơi cần phải tìm khúc gỗ, phao… ném xuống cho họ bám vào để lên bờ hoặc chạy tìm người biết bơi đến cứu. Tuyệt đối không nhảy xuống nước nếu không biết bơi. Vì nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, kể cả người cứu nạn.

Tham khảo động tác hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân đuối nước. Ảnh minh họa: Bộ Y tế.

Tham khảo động tác hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân đuối nước. Ảnh minh họa: Bộ Y tế.

Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở.

Quang Minh