Khung chiến lược giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2045: Phát triển Hội CTĐ Việt Nam chuyên nghiệp hơn, vững mạnh hơn

Tạp Chí Nhân Đạo
Trong các ngày từ 29/6 - 30/6, Hội CTĐ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị góp ý khung chiến lược phát triển Hội CTĐ, giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2045. Tham gia Hội nghị có: PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu – Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam; Ông Nguyễn Hải Anh – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội CTĐ Việt Nam; Bà Trần Thị Hồng An – Phó Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam; Lãnh đạo các ban, đơn vị của Hội và Chủ tịch Hội CTĐ 7 tỉnh, thành.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu– Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam cho biết: Trong thời gian qua, Việt Nam nổi lên trong cuộc chiến phòng chống COVID-19, đã khẳng định về một đất nước đang phát triển đã chiến thắng dịch bệnh và đồng thời tránh được khủng hoảng nhân đạo. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang tái bùng phát trên nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới, chúng ta cũng cần đặt câu hỏi trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường, liệu Việt Nam có vượt qua được đại dịch không? Xuất phát từ thực tiễn trên, việc tổ chức Hội nghị góp ý khung chiến lược phát triển Hội CTĐ, giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2045 trong đó đánh giá cụ thể về các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và xác định quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển cho thời gian tới là rất cần thiết. 

Được biết, trong Chiến lược Phát triển Hội CTĐ Việt Nam đến năm 2020 đã xác định Hội CTĐ Việt Nam trở thành Hội quốc gia vững mạnh, chuyên nghiệp, đóng vai trò nòng cốt và tổ chức bổ trợ cho Chính phủ trong các hoạt động nhân đạo, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức và tình huống trong công tác nhân đạo. Phương châm hành động là tập trung triển khai hoạt động trong các lĩnh vực mà các cấp Hội có đủ khả năng đáp ứng hoặc vận động được nguồn lực; Tập trung triển khai các nội dung mang tính đặc thù mà Hội CTĐ Việt Nam có khả năng thực hiện tốt hơn các tổ chức khác. Đối tượng tác động chính là những người khuyết tật nghèo, nạn nhân thiên tai, dịch bệnh, nạn nhân chiến tranh, nạn nhân chất độc da cam, người mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em mồ côi, người già cô đơn và các đối tượng dễ bị tổn thương khác…
 

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp cho khung phát triển Hội
 
Tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí cho rằng, việc xây dựng khung chiến lược là rất cần thiết để phát triển Hội CTĐ Việt Nam chuyên nghiệp hơn, vững mạnh hơn. Đồng thời, các đại biểu đã thảo luận và chỉ ra một số khó khăn, hạn chế trong thực hiện Chiến lược Phát triển Hội CTĐ Việt Nam giai đoạn 2010-2019. Về khách quan: Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, các loại hình thiên tai mới cũng xuất hiện nên công tác phòng ngừa, ứng phó thảm hoạ thiên tai cần phải thay đổi phương thức và điều chỉnh về hoạt động đã tạo nên những khó khăn mà Hội phải vượt qua; Nguồn lực vận động từ quốc tế gặp nhiều khó khăn do Hội CTĐ Việt Nam không còn nằm trong hỗ trợ ưu tiên của các nước trong Hiệp hội CTĐ – TLLĐ quốc tế; Tổ chức hoạt động của Hội ở các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở đang có nhiều sự điều chỉnh và thay đổi. Về chủ quan: Năng lực của cán bộ Hội các cấp còn chưa đồng đều và đặc biệt việc tiếp nhận cán bộ có năng lực trong tổ chức, phong trào ở địa phương còn hạn chế; Công tác vận động nguồn lực, tham mưu, chính sách cho Hội còn chưa thật sự hiệu quả dẫn đến nguồn lực cho hoạt động còn nhiều hạn chế, từ đó ảnh hưởng đến kết quả hoạt động chung của Hội. 

Hội nghị góp ý khung chiến lược phát triển Hội CTĐ, giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2045 xác định các ưu tiên chiến lược, chìa khóa và nền tảng cho sự phát triển của Hội CTĐ Việt Nam. Các đại biểu cùng thảo luận và lựa chọn các ưu tiên chiến lược được xác định, chấp thuận các ý tưởng và nhiệm vụ trọng tâm trong các định hướng chiến lược để xác định tầm nhìn về tương lai. 

Hà Mi