Chính sách vì cuộc sống của người dân
BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, do Nhà nước tổ chức thực hiện; được Nhà nước bảo hộ, hỗ trợ mức đóng, cấp miễn phí thẻ BHYT; không vì lợi nhuận, không bao giờ bị vỡ quỹ và mục đích duy nhất là vì cuộc sống của người dân. Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển, hơn 10 năm qua, việc thực hiện BHXH tự nguyện được tiến hành theo hai giai đoạn với những quy định khác nhau.
Ở giai đoạn đầu, thực hiện BHXH tự nguyện theo Luật BHXH năm 2006 (Luật số 71/2006/QH11); giai đoạn tiếp theo là thực hiện theo quy định tại Luật BHXH Sửa đổi năm 2014 (Luật số 58/2014/QH13). Những quy định tại Luật BHXH Sửa đổi về BHXH tự nguyện là sự tổng kết kinh nghiệm 07 năm thực hiện Luật BHXH, trên cơ sở đó có những sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn và đáp ứng tốt yêu cầu mở rộng diện bao phủ BHXH đến người lao động thuộc mọi khu vực của nền kinh tế.
Bên cạnh việc được hưởng lương hưu hàng tháng khi về già, người lao động tham gia BHXH tự nguyện còn được hưởng chế độ tử tuất theo quy định tại Điều 80 Luật BHXH 2014, được cấp thẻ BHYT trong thời gian nhận lương hưu. Về trợ cấp mai táng, người lao động có thời gian đóng BHXH từ đủ 60 tháng trở lên hoặc đang hưởng lương hưu khi chết thì người lo mai táng sẽ nhận được một khoản trợ cấp bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người theo quy định trên chết. Về trợ cấp tuất, người lao động đang đóng BHXH, người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, người đang hưởng lương hưu khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần. Mức hưởng được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Đổi mới hình thức và đẩy mạnh công tác truyền thông về BHXH
Để tăng tính hấp dẫn, tạo thuận lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện để về già ai cũng có lương hưu, có BHYT để được chăm sóc sức khỏe..., ngành BHXH đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH tự nguyện, BHYT tự nguyện và tăng cường công tác vận động người dân tham gia.
Nâng cao chất lượng dịch vụ
“BHXH - điểm tựa của bạn và gia đình” là chủ đề truyền thông của lễ ra quân hưởng ứng Tháng Vận động triển khai BHXH toàn dân năm 2022 do BHXH tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức vào sáng 8-5. Đây cũng là mục tiêu mà ngành BHXH đang hướng tới.
Một thực tế đã chứng minh, nhiều người lao động tự do vì không quan tâm đến việc tham gia BHXH khi hết tuổi lao động phải sống nương nhờ vào con cháu bởi không có lương hưu, không tham gia BHYT tự nguyện nên khi gặp tai nạn rủi ro đã phải chật vật chạy tiền thuốc men, điều trị bệnh. Hoặc cũng có người khi còn tuổi lao động đã tham gia BHXH, nhưng mỗi lần nghỉ việc lại rút BHXH một lần nên đã không còn đủ thời gian tham gia BHXH để có lương hưu. Bản thân những người này không chỉ khó khăn mà còn đồng thời gián tiếp tạo thêm gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội quốc gia.
Phó giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai, ông Phạm Long Sơn cho biết, để người dân hiểu được tính chất ưu việt, sự cần thiết khi tham gia BHXH, BHYT..., nhiều năm qua, BHXH tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp trong công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Một trong những giải pháp tạo nên thành quả này là tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người lao động, người dân về các chính sách bảo hiểm.
Hiện ngành BHXH đang sửa đổi, hoàn chỉnh chính sách theo hướng chặt chẽ hơn quy định hưởng BHXH một lần; đồng thời, sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, giúp người lao động dễ dàng đạt được điều kiện để hưởng lương hưu, hạn chế nhận BHXH một lần. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cung cấp nhiều dịch vụ công cho người dân với những bước đột phá mới, điển hình là ứng dụng VssID - BHXH số trên nền tảng thiết bị di động dành cho cá nhân, giúp người sử dụng dễ dàng tra cứu thông tin quá trình tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT; nâng cao chất lượng dịch vụ công về an sinh xã hội theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia BHXH, BHYT.
Nhiều năm qua, BHXH luôn xác định nhiệm vụ phát triển người tham gia là nhiệm vụ cốt lõi, thường xuyên rà soát người chưa tham gia BHXH, BHYT; chỉ đạo BHXH cấp huyện tổ chức tập huấn cho đội ngũ nhân viên đại lý thu về chính sách, chế độ, quyền lợi cũng như kỹ năng truyền thông về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho người dân. Thêm vào đó, thường xuyên tổ chức các tổ, nhóm tình nguyện viên xuống chợ, đến các khu dân cư để vận động người dân tham gia các loại hình bảo hiểm an sinh. Bởi thế, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên địa bàn Đồng Nai nhiều năm đạt tỷ lệ khá tốt.
Tăng cường kết nối
Trên nền tảng ký kết phối hợp giữa BHXH Việt Nam và Bưu điện Việt Nam vào tháng 6-2013 về hợp tác quản lý người hưởng và chi trả các chế độ BHXH hằng tháng qua hệ thống bưu điện, nhiều năm qua, Bưu điện tỉnh luôn đồng hành cùng với ngành BHXH. Theo đánh giá của cả 2 đơn vị, sự phối hợp đôi bên khá ăn ý, hiệu quả.
Thực hiện theo ký kết từ Trung ương, những năm qua đã tổ chức mạng lưới chi trả, quản lý người hưởng BHXH tới tận xã, phường, thị trấn để thực hiện công tác chi trả kịp thời, đúng người hưởng, đúng số tiền và đúng thời gian quy định cho người dân.
Xác định công tác truyền thông là “chìa khóa” để thực hiện hiệu quả việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã không ngừng đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức truyền thông chính sách BHXH theo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH và Nghị quyết số 96/NQ-BCS ngày 24/8/2017 của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT trong tình hình mới”.
Theo đó, bám sát mục tiêu đổi mới toàn diện công tác truyền thông BHXH, các hoạt động truyền thông của ngành BHXH Việt Nam được triển khai chuyên nghiệp bài bản, linh hoạt, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn, báo chí để kịp thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh truyền thông trên phạm vi toàn quốc. Về nội dung truyền thông đã được đổi mới rõ nét khi chuyển từ nội dung tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện sang nội dung truyền thông ngắn gọn, xúc tích về quyền, lợi ích và giá trị nhân văn của chính sách với các thông điệp truyền thông gần gũi, dễ nhớ;… Về hình thức, phương thức truyền thông đã vận dụng linh hoạt, đa dạng theo từng thời điểm, bối cảnh dịch như các hình thức truyền thông qua báo chí; truyền thông trực tuyến qua mạng xã hội; truyền thông trực tiếp qua các hội nghị tư vấn, các hoạt động truyền thông nhóm nhỏ,…
Có thể khẳng định, các hoạt động truyền thông chính sách BHXH của ngành BHXH Việt Nam những năm qua đã bám sát nội dung các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về BHXH tự nguyện. Qua đó, công tác truyền thông đã trở thành cầu nối để truyền tải, đưa các thông tin về chính sách BHXH tự nguyện đến với các tầng lớp nhân dân và người lao động; góp phần nâng cao nhận thức và sự chủ động của người dân, người lao động trong việc tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH tự nguyện; giúp người dân, người lao động nhận thức đầy đủ ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện đối với bản thân và gia đình, từ đó tự giác tham gia như một nhu cầu tất yếu để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi về già.