Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết không khí lạnh chủ yếu tác động vào ngày 12-13/3, gây mưa giông. Từ ngày 14/3, nền nhiệt sẽ tăng nhanh, trời dứt mưa.
Trang Accuweather của Mỹ dự báo, Hà Nội ngày 12/3 dao động 18-26 độ, ngày 13/3 giảm còn 14-20 độ C. Sau đó nền nhiệt tăng dần đến cuối tuần sau ở mức 22-29 độ C. Điểm cao trên 1.500 m so với mực nước biển như Sa Pa (Lào Cai) thứ hai tuần sau nhiệt độ xuống thấp nhất đợt 8-12 độ C.
Bắc Trung Bộ cũng chịu ảnh hưởng của không khí lạnh từ ngày 13/3. Nhiệt độ thấp nhất các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế phổ biến 16-19 độ C.
Do tác động của không khí lạnh, từ chiều 12/3 vịnh Bắc Bộ và bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6-7, sóng biển cao 2-3 m, riêng bắc Biển Đông 3-5 m.
Đặc điểm của đợt không khí lạnh lần này về nhanh và rút ra biển cũng nhanh nên chỉ rét trọn vẹn được 1 ngày, từ ngày 14/3, trạng thái ngày nắng hanh, đêm và sáng trời rét sẽ quay trở lại. Một, hai ngày đầu đêm sẽ rét khá sâu, sau nhiệt độ cả ngày và đêm đều tăng dần và trời ấm áp.
Khoảng ngày 19 đến 20/3 khả năng có khối không khí lạnh tăng cường yếu xuống, di chuyển lệch Đông, và lần này khả năng sẽ đem theo mưa ẩm. Trạng thái thời tiết nồm ẩm, mưa phùn có thể sẽ quay trở lại phía Đông Bắc Bộ vào hạ tuần tháng 3, theo như nhận định trước đó.
Nhận định xa sau giai đoạn nồm thì khoảng tuần cuối tháng 3, hoặc đầu tháng 4 khả năng còn có thể xuất hiện một đợt không khí lạnh nữa, có thể là đợt rét cuối cùng của mùa Đông - Xuân năm nay, trước khi chuyển dần sang mùa nóng. Năm nay tháng Hai âm lịch bị nhuận, nên rất ít khả năng xảy ra đợt rét nàng Bân như năm 2020 hay 2022.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, do miền Bắc, miền Trung đang giai đoạn giao mùa nên trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.