Vào lúc năm mới Mậu Tuất sắp "gõ cửa" Việt Nam, nhiều người Việt xa xứ cũng chờ đón giao thừa theo giờ quê hương. Chị Mi Thanh, sống ở Trondheim, Na Uy, chuẩn bị mâm cúng đêm giao thừa. Chia sẻ với Zing.vn, chị cho biết gia đình chị đã sống ở đây hai năm. Chị dự định tiến hành nghi lễ tiễn năm cũ, đón năm mới theo đúng giờ Việt Nam, tức khoảng 18h ngày 15/2 ở Na Uy. Ảnh: NVCC.
Từ Melbourne, Australia, lưu học sinh Giang Phương Minh chia sẻ cô vừa dự một buổi tiệc đón năm mới của cộng đồng người Việt, sau đó đi chùa. "Năm nay lần đầu tiên trong đời biết đi chùa nhận lộc là gì. Chùa Quang Minh đông keng nhưng cũng trật tự, có điều pháo hoa không trật tự tẹo nào, kiểu hứng thì nổ hay sao mà từ 23h30 tới hơn 1h30 mới xong", Minh nói với Zing.vn. Ảnh: Facebook/Hà Việt.
Vừa qua Mỹ hồi đầu tháng 1, lưu học sinh Mai Minh Trí (quê TP. HCM), chia sẻ rằng dù chỉ có một mình, cậu vẫn bật laptop coi "Táo quân" như đang ở nhà đêm giao thừa. "Mình coi Táo từ năm 2003, năm đầu tiên có luôn. Cũng 15 năm rồi và mình nghĩ đã đến lúc nên dừng lại và tìm kiếm một format gì đó mới mẻ hơn, dù có lẽ nhiều người vẫn coi đây là món ăn tinh thần không thể thiếu trong ngày Tết", Trí chia sẻ. Ảnh: NVCC.
Trời về tối dần, người Hoa tại Malaysia đang đổ ngày một đông đến đền Thean Hou (Thiên Hậu) tại thủ đô Kuala Lumpur để cầu chúc một năm mới tốt lành. Vào dịp Tết Nguyên đán, ngồi đền được trang hoàng rực rỡ bởi đèn lồng màu đỏ. Ảnh: AFP.
Người dân Đài Trung, Đài Loan, có tập tục "tranh nén nhang đầu" vào đêm giao thừa. Hoạt động chính thức diễn ra tại đền thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu (ảnh) vào 23h ngày cuối cùng của năm âm lịch. Người dân sẽ tranh xem ai cắm được cây hương (nhang) đầu tiên vào lư hương, với quan niệm điều này sẽ mang đến vận may cho họ trong năm mới. Ảnh: Wikimedia Commons.
Người về nhất năm nay là một cô gái 21 tuổi đang là sinh viên năm ba (đứng giữa), còn về nhì và ba là hai chàng trai cũng khá trẻ. Theo Apple Daily, người về nhất nhận được tặng phẩm là bức tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu bằng vàng trị giá 18.000 Tân Đài tệ (khoảng 620 USD). Ảnh chụp màn hình.
Trong lúc nhiều gia đình Việt Nam đang tụ tập trước màn hình tivi để xem "Táo quân" thì người dân Trung Quốc có chương trình gala năm mới (gọi là "chunwan") phát vào tối giao thừa từ năm 1983 đến nay. Chương trình của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) được xem là biểu tượng của Tết Nguyên đán tại nước này, thu hút đến 700 triệu người xem mỗi năm. Ảnh: Weibo/CCTV.
Chương trình tạp kỹ gồm các tiết mục âm nhạc, kịch nghệ, múa... kết hợp diễn ra trong khoảng 4,5 giờ với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Năm nay, ngoài trường quay chính ở Bắc Kinh với 5 người dẫn chương trình, gala còn diễn ra ở 4 điểm cầu khác (Quý Châu, Sơn Đông, Quảng Đông, Hải Nam). Trong ảnh là Vương Phi (trái) và Na Anh, hai diva hàng đầu của làng nhạc Trung Quốc, biểu diễn ca khúc "Tuế nguyệt" (Năm tháng). Ảnh: Weibo/CCTV.
Tại Hong Kong, đám đông đang đổ đến Công viên Victoria, nơi có hội chợ năm mới lớn nhất thành phố, để chờ đợi giờ phút giao thừa. Trong số 15 khu chợ Tết Nguyên đán rải rác trên khắp thành phố và bày bán những sản phẩm tương tự nhau, khu chợ ở Vịnh Đồng La là nổi tiếng nhất. Ảnh: AFP.