Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Lê Văn Mình cho biết, trong những năm qua, cùng với việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, thành phố Đà Nẵng đã không ngừng chăm lo các vấn đề an sinh xã hội, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Thành phố hiện đang tiếp tục hoàn thiện các hệ thống trợ giúp và bảo vệ trẻ em, góp phần đem lại một môi trường xã hội lành mạnh, bảo đảm cho sự phát triển toàn diện của trẻ em. Tuy nhiên, trong thời đại hội nhập toàn cầu, cùng với những đổi thay nhanh chóng của thế giới công nghệ số, những hệ lụy của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... đã tiềm ẩn, phát sinh và gia tăng những nguy cơ đối với sự an toàn của trẻ em; đòi hỏi các tổ chức, cơ quan, cộng đồng phải hành động tích cực để bảo vệ trẻ em.
Theo Điều tra quốc gia về lao động trẻ em năm 2018 do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp Tổng cục Thống kê thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), có hơn 1.031.000 trẻ em trong độ tuổi từ 5-17 là lao động trẻ em. Trong đó, 20,1% trẻ em làm việc hơn 40 giờ/ tuần và gần 50,6% trẻ em làm việc trong môi trường nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại.
Tình trạng lao động trẻ em đang tồn tại dưới nhiều hình thức tinh vi, khó lường. Một trong số đó là bóc lột tình dục trẻ em trên môi trường mạng. Thống kê từ Trung tâm Quốc gia về Trẻ em mất tích và bị bóc lột của Hoa Kỳ (NCMEC) cho thấy có hơn 700.000 vụ báo cáo liên quan đến Việt Nam trong năm 2018 về hình ảnh, video xâm hại tình dục trẻ em trên mạng.
Tại Đà Nẵng hiện có khoảng 10.600 trẻ em có nguy cơ tham gia lao động. Đa số các em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa. Điều này đặt ra bài toán trong việc phát hiện, hỗ trợ, can thiệp kịp thời trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trái quy định của pháp luật.
Từ thực trạng trên, Tổ chức World Vision International tại Việt Nam đã triển khai dự án Phòng chống các hình thức lao động trẻ em trong môi trường làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bao gồm bóc lột tình dục trẻ em trong môi trường mạng và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu tại Đà Nẵng với tổng kinh phí 19,3 tỷ đồng.
Dự án nhằm góp phần xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em trong môi trường nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, bao gồm bóc lột tình dục trẻ em trong môi trường mạng và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu trên địa bàn các quận Hải Châu, Sơn Trà và Liên Chiểu, bắt đầu từ tháng 4/2022 - 30/9/2024.
Theo đó, dự án sẽ bao gồm các hoạt động hỗ trợ cho nạn nhân của lao động trẻ em, bạo lực tình dục trong môi trường mạng. Tăng cường công tác báo cáo về lao động trẻ em trong môi trường nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, bao gồm bóc lột tình dục trẻ em trong môi trường mạng và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu tại các địa bàn thuộc dự án. Tăng cường quan hệ đối tác để đẩy nhanh việc giải quyết vấn đề lao động trẻ em, bạo lực tình dục trong môi trường mạng và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu.
Bà Thân Thị Hà, Giám đốc vận hành Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam chia sẻ, Tổ chức mong muốn tiếp tục chung tay cùng các đối tác để nỗ lực cải thiện hệ thống an sinh xã hội và bảo vệ trẻ em, giúp duy trì việc học của các em và đảm bảo sinh kế cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương, hướng tới mục tiêu thoát nghèo.
"Tham khảo thực tiễn triển khai tại Phillippines, chúng tôi đã thiết kế khung hoạt động của Dự án dựa trên những cân nhắc kỹ lưỡng về bối cảnh cụ thể tại Việt Nam. Đây là cơ sở để đảm bảo tính hiệu quả thiết thực của Dự án", ông Rafiq Mangi, Phó Giám đốc Dự án ACE, Tổ chức World Vision Việt Nam cho hay.
Kết quả dự án được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý các trường hợp lao động trẻ em trong môi trường nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, bao gồm bóc lột tình dục trẻ em trong môi trường mạng và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu. Tăng cường việc thực thi các chính sách và khung pháp lý liên quan đến các hình thức lao động trẻ em trong môi trường nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, bao gồm bóc lột tình dục trẻ em trong môi trường mạng và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu.