Không còn gì bán để cứu con

Tạp Chí Nhân Đạo
Nhìn mái tóc bạc phơ từng sợi, đôi mắt như khô héo từng ngày khi phải chứng kiến những đứa con của mình mắc căn bệnh quái ác, rồi cứ lần lượt ra đi
T14 Ko con gi de ban cuu con
Bác Dung đang chăm sóc anh Phòng tại Khoa Thalasemia - Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư.

Nhìn mái tóc bạc phơ từng sợi, đôi mắt như khô héo từng ngày khi phải chứng kiến những đứa con của mình mắc căn bệnh quái ác, rồi cứ lần lượt ra đi, ông Lê Văn Dung (thôn Hòa Bình, xã Y Can, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) tưởng như đã ngã quỵ sau những mất mát quá lớn ấy.

Người đàn ông nhỏ nhắn này đã từng ra Bắc, vào Nam suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt của dân tộc. Ông đã hy sinh tuổi trẻ cho Tổ quốc, cho dân tộc, đất nước, giải phóng trở về với cuộc sống đời thường những tưởng ông sẽ có cuộc sống viên mãn vui vẻ hạnh phúc bên gia đình nhỏ với 7 đứa trẻ lần lượt ra đời. Nhưng tai họa cứ sầm sập kéo đến với gia đình ông. Trong dãy hành lang của Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư, nơi đang điều trị cho người con trai bị tan máu bẩm sinh tên Phòng, giọng bác nhỏ và lạc đi, nước mắt cứ trực trào ra khi kể về những đứa con của mình. “Tôi có 7 người con, nhưng 3 người con trai lớn đều đã mất. Khi mới ra đời, chúng đã mắc những căn bênh quái ác như không có hậu môn, đứa dị dạng khèo chân, đứa lại bị não úng thủy. Lũ trẻ chỉ sống được một thời gian ngắn rồi mất. Một đứa thì bị thần kinh, em Phòng thì bị tan máu bẩm sinh từ lâu rồi, còn 2 đứa khác khỏe mạnh, nhưng chúng nghèo, chẳng có đủ cái ăn”.

Trong những ngày chăm con ở Khoa Thalasemia của Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư, lòng ông như lửa đốt: “Tôi còn một đứa nữa ở nhà bị viêm đa khớp mãn tính cộng với thần kinh không ổn định, cứ lên cơn là lại cầm dao đánh đuổi mọi người. Còn em Phòng đang điều trị ở đây là con thứ 6 của tôi, em nó bị tan máu bẩm sinh đã biến chứng nặng rồi, nên bác lo lắm. Những ngày ở đây, nó cũng khóc nhiều, khóc vì thương bố”.

Lần này, bệnh của Phòng trở nặng hơn, về được ít bữa, bác lại trở lên viện chăm con. Làn da sạm đen, nhợt nhạt không còn sức sống, anh Phòng gần như không thể đi lại mà chỉ nằm bẹp trên giường với đôi mắt lúc nào cũng buồn. Trong hơi thở khó nhọc, anh bảo: “Bệnh của anh anh biết. Anh không sợ chết, chỉ thương bố anh thôi. Cả cuộc đời ông đã phải chịu bao nỗi đau, 3 người anh của anh đã chết rồi, giờ lại đến lượt anh, không biết rồi bố của anh có chịu đựng được nữa không?”.

Về bệnh tình của anh Phòng, ThS.BS Vũ Hải Toàn – Phó Giám đốc Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư, chia sẻ: “Bệnh của em Phòng vì trước đây không có điều kiện đi chữa bệnh, nên giờ đã biến chứng làm suy tim, suy gan, khí sắc rất kém. Hiện em đang được điều trị tích cực tại khoa với mong muốn kiểm soát được bệnh và kéo dài sự sống cho em”.

Gặng hỏi về lí do vì sao anh Phòng bệnh nặng thế này mới xuống viện, bác Dung cứ cúi gằm mặt, ái ngại, mãi mới tâm sự được: “Nhà không có tiền cô ạ, xuống đến đây tiền ăn cũng phải đi xin chứ có tiền đâu”. Những người anh trước của Phòng cũng mắc những căn bệnh quái ác khác nhau, ông cùng gia đình đã gồng gánh, vay mượn để lo cho các con nhưng chúng cứ lần lượt mà bỏ ông đi. Khó khăn lại càng thêm khó khăn, khi ông là lao động chính trong nhà nhưng lại phải chăm anh Phòng ở viện.

Căn bệnh tan máu bẩm sinh vốn phải dùng đến rất nhiều máu và tốn kém, mà với anh Phòng căn bệnh đã quá nặng. Để tiếp tục chạy chữa cho con, ông Dung cũng không biết bấu vứu vào đâu. Những tháng ngày còn trẻ, ông đã không hề run sợ, thế nhưng với hạnh phúc gia đình riêng của mình, người cha già ấy đã luôn sợ hãi, nơm nớp lo âu. 3 đứa đi rồi, ông bảo lần này Phòng nó đi nữa chắc ông không thể chịu đựng được nữa, thế nhưng cạn kiệt quá rồi, ông chẳng còn gì cho con chữa trị tiếp. Đôi vai ấy lại trùng đi và nhỏ bé hơn khi những cơn gió mùa đầu đông kéo về.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về ông Lê Văn Dung (thôn Hòa Bình, xã Y Can, huyện Trần Yên, tỉnh Yên Bái); Số ĐT: 0986.498.779.