"Những ngày sau khi thực phẩm và nước uống cạn kiệt, chiếc thuyền trôi lênh đênh trên Đại Tây Dương với cột buồm gãy và động cơ hỏng, chúng tôi chẳng thể làm gì khác ngoài cầu nguyện", anh Muctarr Mansaray, 27 tuổi, kể lại.
“Tôi cầu nguyện hàng ngày. Tôi cầu nguyện rất nhiều vào thời điểm đó. Ban đêm tôi cũng không ngủ”.
Quyết định đổi đời
Cách đây một tháng, anh Mansaray cùng 24 người di cư gốc Phi xuất phát từ Cape Verde, quốc đảo trên Đại Tây Dương, cách Senegal gần 645 km, trên hành trình mà 2 thủy thủ người Brazil nói là chuyến đi biển dễ dàng và nhanh chóng để tới một đất nước mới, nơi họ có thể tìm được việc làm.
Những người đàn ông này đến từ Senegal, Nigeria, Sierra Leone và Guinea-Bissau. Họ lênh đênh trên biển trong 35 ngày. Vào những ngày cuối, khi đồ ăn và thức uống trên chiếc thuyền 12 m đều cạn kiệt, một số người thậm chí phải uống nước biển hoặc nước tiểu.
“Sau 35 ngày trên biển trong điều kiện như vậy, thật may là không có ai thiệt mạng”, Luis Almeida, trưởng phòng xuất nhập cảnh thuộc cảnh sát bang tại Sao Luis, thủ phủ bang Maranhao, cho biết.
“Cabin trên thuyền không đủ cho tất cả mọi người nên họ đã phải ở dưới ánh nắng mặt trời suốt 35 ngày đó”, ông Almeida nói. Họ bị mất phương hướng, thiếu nước và một số người gặp vấn đề về thị giác sau thời gian dài tiếp xúc với ánh nắng phản chiếu trên mặt biển.
Theo ông Almeida, đây là một trường hợp chưa từng có tiền lệ. Những người châu Phi đi lậu vé thường bị phát hiện trên những con tàu chở hàng tại các cảng thuộc bang Maranhao, nhưng đây là lần đầu tiên một con thuyền chở toàn người di cư đến được đây. Hai người Brazil trên thuyền đã bị bắt do giúp đỡ người nhập cư trái phép.
Mansaray, từ Freetown, Sierra Leone, tới Cape Verde 5 năm trước để học về khoa học công nghệ với ước mơ trở thành giáo viên. Trong 2 năm học, anh chật vật kiếm tiền trả học phí đại học với công việc sửa chữa điện thoại di động.
Một người bạn hiện là sinh viên tại Sao Paulo bảo rằng anh có thể học miễn phí tại đây, thành phố lớn nhất tại Brazil và có thể gửi tiền về nhà cho cha mẹ già và em gái ở Freetown. “Tôi nói với cậu ấy là ‘tuyệt’, và đó là lý do tôi lên thuyền”.
Theo lời kể lại của Mansaray, anh được giới thiệu với một người Brazil trên phố và trả 700 USD cho một hành trình được cho là 22 ngày.
Anh bắt đầu sợ hãi khi nhìn thấy kích thước con thuyền sẽ chở anh vượt qua Đại Tây Dương.
“Tôi là người cuối cùng tới nơi. Khi tôi lên thuyền, chúa ơi, trên thuyền có rất nhiều người, liệu tất cả chúng tôi có được an toàn không?”, anh nhớ lại. “Làm thế nào mà tôi có thể đi trên chuyến này được? Nhưng vì tôi đã tham gia rồi, tôi không thể làm những người khác nản lòng, vậy nên tôi thu hết mọi can đảm và đi”.
Chuyến đi như địa ngục
Nhiều người trả số tiền lớn hơn với lời hứa rằng họ sẽ được cung cấp đồ ăn, nhưng trong vòng 10 ngày, thực phẩm trên thuyền đã cạn kiệt. Do đó, những người đàn ông phải cố sống bằng hai chiếc bánh quy hoặc một vài thìa thức ăn mỗi ngày.
Anh Mansaray kể rằng cột buồm đã bị gãy khi một thủy thủ cố buộc nó vào mạn thuyền phía bên kia và động cơ thì hỏng vì họ nhầm kerosene với diesel. Sau đó, trận bão đến lại làm họ nhẹ nhõm hơn vì ít nhất họ có nước mưa để uống.
Elhadji Mountakha Beye, 36 tuổi, bị cột buồm gãy đập vào đầu, để lại một vết sẹo. Anh là thợ máy từ Dakar, Senegal đến Cape Verde sinh sống. Beye trả hơn 1.000 USD cho chuyến đi với hy vọng tìm việc ở Brazil. “Ở đó có nhiều việc làm tốt hơn ở Senegal”, anh nói.
“Mệt mỏi, không có đồ ăn, không có nước uống”, anh mô tả chuyến đi chẳng khác gì địa ngục. “Lênh đênh trên biển. Động cơ hỏng, và cột buồm gãy. Chúng tôi chỉ đợi một ai đó tới cứu”.
May mắn thay, ngay khi tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, những người đàn ông trên chiếc thuyền trôi nổi phát hiện một tàu đánh cá gần đó và gửi tín hiệu cầu cứu. Ngư dân từ bang Ceara kéo chiếc thuyền vào cảng Sao Jose de Ribamar, Maranhao cuối tuần trước.
“Chỉ một ngày nữa thôi thì hẳn đã có người chết”, Moises dos Santos, một người trong nhóm ngư dân, nói với phóng viên khi thuyền cập cảng. “Họ nói rằng họ chỉ ăn 2 chiếc bánh quy mỗi ngày. Họ kể với chúng tôi là họ thậm chí đã uống nước tiểu. Chúng tôi cảm thấy vinh dự khi đã cứu sống được nhiều người”.
Đoàn di cư được đội y tế từ văn phòng nhân quyền của chính phủ bang Maranhao đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe. Sau đó, họ được cho phép trú tại nhà thi đấu thể thao địa phương.
“Tất cả đều nói rằng cuộc sống ở quê hương rất mong manh và họ đều có người thân, người quen đang sống tại Brazil. Họ đang đi tìm cuộc sống tốt hơn với một công việc ở Brazil”, Jonata Galvao, thư ký trợ lý bang về nhân quyền cho biết.
Cảnh sát bang cho hay họ đang xem xét một “giải pháp di trú” cho những người đàn ông này để họ được ở lại Brazil.
“Chúng tôi không phải tội phạm. Chúng tôi là những người chăm chỉ, nên tôi tin là chính phủ sẽ giúp chúng tôi”, anh Mansaray chia sẻ. “Đây là ước mơ của tôi. Tôi tin ước mơ của tôi sẽ thành hiện thực với sự giúp đỡ của Chúa, rồi tôi có thể giúp đỡ gia đình ở quê nhà”.