Cần hiểu sức khỏe tinh thần là gì? Vào năm 1948, cụm từ sức khỏe được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa như sau: “Sức khỏe là trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật hay ốm đau”. Như vậy, sức khỏe không chỉ về mặt thể chất mà còn bao gồm mặt tinh thần - điều mà nhiều người đã vô tình bỏ qua. Sức khỏe tinh thần là mặt trọng tâm thiết yếu vì chức năng tâm thần của hệ thần kinh là chủ đạo, điều khiển mọi hành vi, tư duy và cảm xúc của con người.
Sức khỏe tinh thần là 1 trong 3 cấu phần không thể tách rời và có mối quan hệ mật thiết với thể chất và xã hội. Đây là vấn đề ngày càng có tầm quan trọng. Báo cáo của WHO ra mắt hồi tháng 6 năm 2022 cảnh báo gần 1 tỷ người trên toàn cầu đang gặp các vấn đề về rối loạn tâm thần trước khi COVID-19 xảy ra. WHO cũng đã nhấn mạnh thông điệp "Không có sức khỏe tâm thần là không có sức khỏe".
Đặc biệt trong thời kỳ COVID-19, cụm từ này dường như nóng hơn bao giờ hết, nó như một đòn bẩy khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn. Cùng với nỗi sợ nhiễm virus trong đại dịch COVID-19, những thay đổi đáng kể trong cuộc sống hàng ngày như bị hạn chế đi lại, giãn cách xã hội cùng với thực tế mới của làm việc tại nhà, thất nghiệp tạm thời, con cái phải học online, thiếu tiếp xúc với anh/chị/ em họ hàng, bạn bè… đã làm gia tăng ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của mọi người.
Kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ hiện mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19 gia tăng đáng kể như tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm (31,4%), rối loạn lo âu (31,9%) và rối loạn giấc ngủ (41,1%). Đại dịch COVID-19 gây tác động đặc biệt tới một số nhóm dễ bị tổn thương như nhân viên y tế, những người ở tuyến đầu phòng chống dịch, người có bệnh lý nền, những người sống độc thân.
BS Nguyễn Thị Vân - Trưởng khoa bán cấp tính nữ, Bệnh viện Sức khỏe tâm thần TW 1 cho biết, thời gian qua bệnh viện đã nhận tư vấn từ xa, điều trị nhiều ca bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần trong dịch và hậu COVID-19, cụ thể là các trường hợp rối loạn trầm cảm, lo âu, mất ngủ sau khi được xác định dương tính, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng khi phải đi cách ly tập trung… Sau này các trường hợp không được can thiệp ngay, bệnh diễn biến thành các chứng sợ tiếp xúc, rối loạn ám ảnh..., ảnh hưởng đến chức năng sinh hoạt và cuộc sống hằng ngày.
Không chỉ vậy, trong thời đại công nghệ số như hiện nay, những người thuộc Gen Y (sinh từ 1981 đến 1996) và Gen Z (sinh từ 1997 đến 2012) cũng là các đối tượng chịu ảnh hưởng và gặp rất nhiều vấn đề liên quan đến sức khoẻ tinh thần khi phải đối mặt với vô vàn áp lực; họ phải "chạy đua" với tốc độ phát triển của thời đại.
Các bạn trẻ ngày nay luôn phải đối diện với nhiều áp lực hơn từ công việc, học tập cho đến những "deadline" đến từ cuộc sống bên ngoài. Bên cạnh đó, những áp lực về sự kỳ vọng, còn có thể kể đến áp lực từ việc những bạn trẻ gặp phải các biến cố trong cuộc sống như sự kì thị, gia đình không hạnh phúc, bạo lực, tình yêu... Mọi chuyện đều có thể là nguyên nhân khiến những Gen Y và Gen Z rơi vào tình trạng stress, mất cân bằng trong cuộc sống. Từ đó, những căn bệnh liên quan đến tinh thần, như trầm cảm, căng thẳng..., xuất hiện ngày càng nhiều và đang có xu hướng "trẻ hóa".
Tại Việt Nam, một nghiên cứu cách đây vài năm cho thấy, gần 15% người dân mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp, tương đương gần 15 triệu người. Tuy nhiên thực tế hiện nay việc chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng còn nhiều hạn chế. Thuốc điều trị cũng còn hạn hẹp, nhiều người dân sử dụng thuốc gián đoạn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, ở Việt Nam chủ yếu chuyên khoa tâm thần (ở các bệnh viện tuyến Trung ương và tỉnh) cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Cả nước hiện có 43 bệnh viện tâm thần hoặc có chuyên khoa Tâm thần. Các trạm y tế xã phường chủ yếu thực hiện khám bệnh, kê đơn điều trị theo các chỉ định của tuyến trên. Hơn thế nữa, trị liệu chủ yếu là dùng thuốc. Tâm lý trị liệu và các biện pháp không dùng thuốc chưa được phát triển đầy đủ. Do vậy, để tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh cho rằng cần cập nhật, xây dựng các hướng dẫn chuyên môn chẩn đoán, điều trị, quy trình kỹ thuật về tâm thần.
Sự thay đổi nhanh chóng của cuộc sống hiện đại tạo nên nhiều áp lực đối với tinh thần, nếu chúng ta không biết cân bằng thì rất dễ mắc các bệnh về rối loạn tâm thần. Sức khỏe tâm thần có khỏe mạnh mới trở thành nền tảng đem lại cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc. Tinh thần thoải mái, tự tin trong đời sống hàng ngày sẽ giúp chúng ta có sự sáng tạo, có những ý tưởng mới mẻ và chất lượng. Không bị mắc các chứng bệnh về tâm lý, tâm thần con người trở lên tích cực lan tỏa và tạo ra những hành động có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.