Nỗ lực phát triển kinh tế
Tại buổi lễ công bố xã đạt chuẩn NTM vừa được UBND xã Suối Cát tổ chức, ông Phan Văn Toàn - Trưởng thôn Tân Xương 1 cho biết, quá trình nỗ lực xây dựng NTM, tinh thần đoàn kết, quyết tâm của người dân là một trong những yếu tố quyết định. Thôn Tân Xương 1 từ chỗ đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, giao thông chưa thuận lợi, cơ sở hạ tầng còn sơ sài, nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, đến nay, sau hơn 10 năm nỗ lực xây dựng NTM, người dân trong thôn đã tích cực tham gia bằng nhiều việc làm cụ thể như: Hiến đất làm đường giao thông, lắp đặt điện chiếu sáng đường quê trên 8 tuyến đường, chung tay giúp nhau phát triển kinh tế… Từ đó góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Ông Mang Tính - Trưởng thôn Suối Lau 1 cho biết, thôn có hơn 160 hộ, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số Raglai. Trước đây, đời sống người dân rất khó khăn, số hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm đa số; trình độ, nhận thức còn hạn chế; đường sá đi lại lầy lội, hư hỏng nhiều nơi; tình trạng thiếu điện, nước xảy ra liên tục… Sau nhiều năm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhất là triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM”, người dân trong thôn đã phát huy sức mạnh đoàn kết, có ý thức nỗ lực vươn lên thoát nghèo, tham gia hiệu quả trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích cực học tập nâng cao trình độ sản xuất, mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất…
Đến nay, người dân thôn Suối Lau 1 đa số đã thoát nghèo; thay đổi nếp nghĩ, bãi bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang; 100% trẻ em trong thôn đều được đến trường; người dân biết áp dụng kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế. Khi đời sống kinh tế đã tương đối ổn định, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều đóng góp sức người, sức của vào chương trình xây dựng NTM của xã.
Ông Lê Thành Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Cát cho biết, những năm gần đây, nông dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ vườn rẫy tạp sang trồng xoài. Hiện nay, toàn xã có khoảng 750ha xoài, 60% trong số đó đã cho thu hoạch. Tổ hợp tác trồng xoài cũng được hình thành, giúp người dân liên kết, hợp tác với nhau trong việc trồng, chăm sóc và thu hoạch. Ngoài ra, trong hơn 140ha lúa của Hợp tác xã Nông nghiệp Suối Cát, có 70ha lúa giống chất lượng cao được nông dân sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, cho thu nhập ổn định với mức cao hơn so với sản xuất thông thường.
Ngoài trồng trọt, chăn nuôi, hiện nay ở xã có khoảng 30% số người trong độ tuổi lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, nhà máy ở Khu Công nghiệp Suối Dầu. Ngoài ra, một phần Cụm Công nghiệp Trảng É nằm trên địa bàn xã đang hình thành sẽ là cơ hội nghề nghiệp cho lao động địa phương. Những năm gần đây, trên địa bàn xã hình thành các mô hình du lịch sinh thái, khu du lịch suối khoáng nóng, các điểm vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng… đã tạo việc làm, thu nhập cho người dân nơi đây.
Tập trung xây dựng các sản phẩm chất lượng cao
Theo thống kê, đến hết năm 2021, thu nhập bình quân của người dân xã Suối Cát đạt 41 triệu đồng/người/năm; trong số gần 3.000 hộ dân của xã, nay chỉ còn 57 hộ nghèo.
Theo ông Lê Thành Huy, đạt chuẩn NTM, người dân trong xã đã được thụ hưởng thành quả sau hơn 10 năm nỗ lực phấn đấu. Hầu hết đường giao thông đều cứng hóa, thuận tiện đi lại; 4/4 trường học trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia; các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư, xây dựng phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, thụ hưởng của người dân; tình hình trật tự an toàn xã hội được giữ vững… Tất cả giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Dẫu vậy, mức độ phát triển kinh tế ở địa phương chưa xứng tầm so với tiềm năng, thế mạnh; đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là hơn 620 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn.
Trong thời gian tới, xã định hướng tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa giống chất lượng cao theo đơn đặt hàng; tập trung tuyên truyền, định hướng nhân dân trồng, chăm sóc và thu hoạch xoài đạt các chỉ tiêu chất lượng theo đòi hỏi của thị trường, nhất là sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, có mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch ra thị trường nước ngoài. Xã cũng sẽ khai thác tốt hơn nữa tiềm năng của nguồn nước khoáng nóng, suối Đá Giăng trên địa bàn; đồng thời thu hút hình thành các khu du lịch sinh thái cao cấp theo định hướng quy hoạch được phê duyệt.
Tại lễ đón nhận xã đạt chuẩn NTM, bà Lê Phạm Thùy Ngân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Suối Cát quyết tâm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của nhân dân, nghiên cứu hình thành và phát triển các sản phẩm OCOP chất lượng cao, có các giải pháp hình thành chuỗi giá trị đối với cây lúa, cây xoài. Ngoài những nhiệm vụ chung, xã cần đặc biệt quan tâm, tập trung đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội ở 3 thôn Suối Lau trên địa bàn xã, nơi tập trung chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.