Khánh Hòa: Nhiều kiến nghị cải thiện chính sách tiền lương

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Chính sách tiền lương cần thay đổi để phù hợp với mức sống tối thiểu của người lao động sau đại dịch là nội dung được nhiều lao động ở khu vực Nam Trung Bộ kiến nghị.
lao-dong-nganh-may-1654990603.jpeg
Tiền lương của nhiều lao động ngành may vẫn rất thấp, khó đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu hiện nay.

Thu nhập tối thiểu thua mức sống tối thiểu

Tại huyện Khánh Sơn - một huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, nhiều lao động là nhân viên cấp dưỡng ở các trường bán trú từ tháng 1.2022 được nhận mức lương là 2.011.500 đồng/tháng (chưa bao gồm đóng bảo hiểm xã hội). Và mức lương này chỉ hưởng không quá 9 tháng/năm. Mức lương này chưa đủ theo mức lương tối thiểu vùng 3 là 3.070.000 đồng/tháng.

Chị Nguyễn T.T làm cấp dưỡng hơn 7 năm, hưởng chế độ tiền lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14.12.2004 cũng được 3-4 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, từ đầu năm 2022 đến nay, chị chuyển sang hưởng chế độ theo điểm d khoản 2 điều 5 Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ nên lương giảm đi gần một nửa.

"Công việc của tôi không giảm nhưng lương áp dụng theo quy định mới thì quá thấp nên rất mong các cấp có sự điều chỉnh phù hợp. Chứ với mức thu nhập 2 triệu đồng/tháng thì thực sự không đủ sống với giá cả sinh hoạt hiện nay"- chị T tâm tư.

Lương không đủ để trang trải cuộc sống sau dịch cũng là tình cảnh chung của công nhân lao động sống làm việc ở các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Cam Lâm, Thị xã Ninh Hòa, TP.Nha Trang.

Những tháng vừa qua chật vật với dịch bệnh, chị Nguyễn Thị Loan (trú phường Phước Hải, TP.Nha Trang) mất công việc làm nhân viên thị trường. Chị xin đi làm công nhân công ty may ở Khu công nghiệp Suối Dầu.

“Tôi vào làm cộng cả tăng ca mỗi ngày 2 tiếng nữa, đi làm đều 26 công thì được khoảng 6 triệu đồng/tháng sau khi trừ các khoản. Thế nhưng cầm đồng lương chưa kịp nóng thì giá cả sinh hoạt sau dịch lại càng đắt đỏ nên mong sao có chính sách cải thiện tiền lương cho công nhân, kiểm soát giá cả chứ lương không đổi mà giá đổi từng ngày nên công nhân khó cải thiện được cuộc sống tối thiểu" - chị Loan chia sẻ.

Cần sớm có chính sách cải cách tiền lương phù hợp

Thời gian qua, các cấp Công đoàn tỉnh Khánh Hòa cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến của đoàn viên, người lao động về vấn đề việc làm và thu nhập.

Bà Nguyễn Thị Hằng - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa - cho biết: Nhiều lao động đề nghị Chính phủ quan tâm hơn và sớm có chính sách cải cách tiền lương phù hợp đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khu vực hành chính sự nghiệp.

Đặc biệt, với lao động ngành Y và ngành Giáo dục hiện nay, một số bộ phận tiền lương tương đối thấp không bằng lương tối thiểu của vùng miền đang áp dụng cho công nhân lao động ở các khu công nghiệp.

Cùng với đó, người lao động trong các doanh nghiệp hiện vẫn đang nhận mức lương còn thấp, mức lương tối thiểu hiện áp dụng chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động. Người lao động mong các cấp sớm xem xét chính sách tiền lương của để tạo động lực cho người lao động nâng cao năng suất lao động, phục hồi sau đại dịch.

Theo ông Phan Quốc Thắng - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phú Yên, vấn đề công nhân quan tâm nhất hiện nay là lương có tăng và tăng như thế nào? Bởi thu nhập tối thiểu hiện nay không đủ để công nhân sống tối thiểu khi mà giá cả đang tăng cao.

“Khảo sát công nhân chủ yếu là ý kiến về vấn đề bao giờ tăng lương. Chứ thực tế dịch bệnh 2 năm qua, công nhân kiệt quệ, khó khăn lắm rồi. Nếu vẫn giữ mức lương cũ thì sức lao động của công nhân cũng sẽ khó mà cải thiện nên cần quan tâm đến chính sách thay đổi nâng cao thu nhập cho người lao động sớm hơn”- ông Thắng thông tin.