Khẳng định vai trò của phụ nữ trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào hệ sinh thái

Đặng Thu Hằng
Ngày 29/3, tại thành phố Huế, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng và hệ sinh thái ven biển miền Trung Việt Nam”.

Chú thích ảnh

Phụ nữ Thừa Thiên - Huế tham quan, học hỏi kết quả thực hiện việc khôi phục rừng ngập mặn của dự án.

Tại Thừa Thiên - Huế, Dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt thực hiện từ năm 2021 - 2023. Theo đó, Dự án thực hiện các hợp phần chính, gồm xây dựng vườn ươm cây ngập mặn được quản lý bởi cộng đồng, trồng dặm cây bần chua tại khu vực đầm phá thuộc xã Hải Dương, thành phố Huế; phối hợp Hội Phụ nữ các xã khu vực ven phá Tam Giang tổ chức hoạt động truyền thông về giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào hệ sinh thái; tổ chức cuộc thi sáng kiến sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái và đánh giá hiệu quả dự án.

Bà Nguyễn Thị Nhật Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội cho biết, cần hành động khẩn trương và quyết liệt hơn nữa để bảo vệ hệ sinh thái, giảm thiểu rủi ro thiên tai. Tại địa phương triển khai Dự án, các cấp chính quyền đã có nhiều định hướng chiến lược đúng, thời gian tới cần tăng cường sự tham gia của tất cả các bên liên quan; phát huy năng lực sẵn có, nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng và hệ sinh thái ven biển miền Trung.

Tại Hội thảo, 100 đại biểu trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng các đối tác đến từ Trường Đại học Potsdam (Cộng hòa Liên bang Đức), Quỹ Munich RE và Công ty Cotswold (Anh) đã chia sẻ, nhìn nhận, rút ra bài học từ những kết quả đã đạt được trong quá trình thực hiện Dự án. Các ý kiến đề cao vai trò của phụ nữ trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp và thúc đẩy tầm quan trọng của các giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái, chú trọng hệ sinh thái ngập mặn, đồng thời xây dựng kết nối giữa các đối tác địa phương, các đối tác trong nước và quốc tế trong các hoạt động nâng cao sức chống chịu của cộng đồng ven biển với biến đổi khí hậu.

Từ thực tiễn khôi phục rừng ngập mặn bằng cây bần chua tại xã Hải Dương, Thạc sỹ Trần Văn Sáng (Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình) cho biết, các kỹ thuật được triển khai trong Dự án đã giúp cây nảy chồi, phát triển tán lá, hệ rễ thở và tạo sinh cảnh cho các loài chim cư trú. Tuy nhiên, việc phục hồi rừng ngập mặn tại Thừa Thiên - Huế còn gặp nhiều khó khăn vì khí hậu, thời tiết cực đoan; người dân đánh bắt thủy sản ngay trong diện tích trồng rừng ngập mặn và mối đe dọa từ các loài sinh vật gây hại như sâu róm.

Phụ nữ là nhóm đối tượng dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu, nhưng họ lại có thể đóng góp lớn vào các giải pháp chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Họ không chỉ thấu hiểu hoàn cảnh thực tiễn địa phương, mà còn có những kỹ năng quan trọng, cũng như khả năng và khát vọng thay đổi để có cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình mình. Với niềm tin này, Dự án “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng và hệ sinh thái ven biển miền Trung Việt Nam” không chỉ trồng rừng ngập mặn mà còn chú trọng thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong mọi hoạt động: ươm cây, trồng cây, truyền thông và sinh kế.

Chú thích ảnh

Các đại biểu tham quan hình ảnh trưng bày kết quả thực hiện dự án.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên - Huế Ngô Thị Ánh Tuyết chia sẻ, các cấp Hội đã triển khai, tham gia nhiều hoạt động của Dự án. Qua đó nhận thấy, việc tuyên truyền, nâng cao năng lực cho phụ nữ về vai trò và khả năng đóng góp của họ trong phòng, chống thiên tai cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu là hết sức cần thiết. Cuộc thi sáng kiến truyền thông và sáng kiến sinh kế được tổ chức từ cơ sở đến cấp tỉnh đã tạo không khí sôi nổi, là động lực cho người dân tìm hiểu về biến đổi khí hậu, hệ sinh thái, rừng ngập mặn, cũng như mô hình sinh kế bền vững dựa vào tự nhiên.