Tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú nêu rõ, Sổ hộ khẩu chỉ được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.
Như vậy từ ngày 1/1/2023, Sổ hộ khẩu giấy chính thức bị “khai tử” và hết giá trị sử dụng. Thay vào đó, cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin cư trú của người dân bằng phương thức điện tử hay còn gọi là Sổ hộ khẩu điện tử.
Một số người có nhầm lẫn tai hại về việc bỏ hộ khẩu là không sử dụng, quản lý các thông tin về cư trú công công dân, người dân không cần đăng ký hộ thường trú, nhập hộ khẩu... Tuy nhiên, bỏ Sổ hộ khẩu giấy ở đây tức là bỏ hình thức quản lý dữ liệu cư trú bằng sổ sách, giấy tờ.
Nhà nước vẫn duy trì quản lý hộ khẩu, chỉ là thay thế hình thức quản lý thông tin sang phần mềm công nghệ thông tin hiện đại, hiệu quả hơn. Người dân vẫn cần làm thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú như trước đây...
Thông tin về nơi cư trú của công dân sẽ được cập nhật lên hệ thống điện tử để quản lý thống nhất. Trong đó, mỗi người sẽ có một mã định danh cá nhân riêng thể hiện đầy đủ các thông tin liên quan về tên, tuổi, giới tính, ngày sinh, quan hệ nhân thân…
Sổ hộ khẩu cũ sẽ bị thu hồi trong trường hợp nào?
Đối với những người không thực hiện thay đổi, bổ sung thông tin liên quan đến Sổ hộ khẩu giấy, cơ quan Công an sẽ không thu lại. Sang năm 2023, khi những cuốn sổ này không còn giá trị, người dân có quyền giữ lại để làm kỷ niệm.
Trước ngày 1/1/2023, Sổ hộ khẩu giấy vẫn có giá trị sử dụng bình thường, do đó khi người dân đến thực hiện các thủ tục thay đổi, bổ sung thông tin về cư trú, Công an sẽ thu lại cuốn Sổ hộ khẩu giấy nhằm tránh việc người dân mang sổ này đi thực hiện các giao dịch khác khi thông tin đã bị thay đổi.
Người dân chỉ bị thu hồi Sổ hộ khẩu giấy nếu thực hiện một trong các thủ tục hành chính quy định tại khoản 2 Điều 26 Thông tư 55/2021/TT-BCA:
- Thủ tục đăng ký thường trú; Thủ tục xóa đăng ký thường trú;
- Thủ tục điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;
- Thủ tục tách hộ;
- Thủ tục đăng ký tạm trú; Thủ tục gia hạn tạm trú; Thủ tục xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin có trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
Khi người dân thực hiện một trong các thủ tục trên, bên cạnh việc thu Sổ hộ khẩu - cơ quan đăng ký cư trú sẽ cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu đã thu.
Cần làm gì trước ngày Sổ hộ khẩu bị "khai tử"?
Xin Giấy xác nhận thông tin về cư trú
Sổ hộ khẩu thường được sử dụng trong các thủ tục, giao dịch cần chứng minh thông tin về cư trú.
Khi Sổ hộ khẩu giấy không còn giá trị sử dụng, công dân có thể sử dụng Giấy xác nhận thông tin về cư trú để thay thế trong các trường hợp cần xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin cư trú
Nội dung của này bao gồm thông tin về thời gian, địa điểm, hình thức đăng ký cư trú.
Căn cứ quy định tại Điều 17 Thông tư 55/2021/TT-BCA, công dân có thể yêu cầu cấp Giấy xác nhận thông tin về cư trú theo 02 cách:
- Cách 1: Theo khoản 4 Điều 2 Luật Cư trú năm 2020, công dân có thể đến trực tiếp cơ quan đăng ký cư trú đề nghị cấp Giấy xác nhận thông tin về cư trú bao gồm Công an xã, phường, thị trấn; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.
- Cách 2: Gửi yêu cầu xác nhận thông tin cư trú qua Cổng dịch vụ công của Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú, Cổng dịch vụ công quốc gia.
Làm Căn cước công dân gắn chip
Khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân nêu rõ, Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân. Theo đó, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã hướng dẫn các Bộ, ngành phương thức sử dụng thông tin công dân thay cho việc xuất trình Sổ hộ khẩu.
Người dân có thể sử dụng Căn cước công dân gắn chip là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin cá nhân, nơi thường trú khi làm thủ tục tại các cơ quan hành chính Nhà nước.
Đăng ký tài khoản định danh điện tử
Tại Nghị quyết 121/NQ-CP ban hành ngày 11/9/2022, Chính phủ đã giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố rà soát, bãi bỏ các quy định yêu cầu xuất trình Sổ hộ khẩu để sử dụng ứng dụng định danh điện tử, dữ liệu dân cư, thẻ Căn cước công dân khi thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính cho công dân.
Căn cứ nội dung chỉ đạo trên, người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử cá nhân thay thế Sổ hộ khẩu để chứng minh nhân thân, cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Theo Điều 13 Nghị định 59/2022/NĐ-CP, tài khoản định danh cá nhân của công dân Việt Nam có 02 mức độ với giá trị sử dụng như sau:
- Mức độ 1: Có giá trị chứng minh thông tin trong các hoạt động, giao dịch có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.
- Mức độ 2: Tương đương với sử dụng Căn cước công dân trong các giao dịch có yêu cầu xuất trình Căn cước công dân.
Theo báo Tổ Quốc