Khai mạc Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV 2022

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Tối 4/8, tại Nhà hát lớn Thành phố Hồ Chí Minh, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp cùng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ XV năm 2022 với chủ đề "Linh hoạt chuyển đổi, thích ứng vượt lên". Đây là dịp để những người làm phát thanh cả nước thể hiện tâm huyết, tài năng, trách nhiệm và những phẩm chất của người làm báo, biểu dương, tôn vinh những tác phẩm, tác giả tiêu biểu của ngành phát thanh cả nước. Đồng thời, là cơ hội chia sẻ quan điểm, định hướng phát triển nhằm đổi mới hoạt động nghiệp vụ theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả và hiện đại, với mục tiêu phục vụ công chúng ngày một tốt hơn.
z361904309063031cca9e0b2e2413f23c20886d7114687-1-1659622793834610721839-1659634185.jpg
Chương trình nghệ thuật tại Liên hoan - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Sự kiện là hoạt động nghiệp vụ do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Lần đầu tiên liên hoan được tổ chức vào năm 1994 tại Hà Nội, tiếp đó là các địa phương khác như Quảng Ninh, Cần Thơ, Khánh Hòa, Nghệ An, Đồng Tháp...

Phát biểu chỉ đạo Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ XV, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chúc mừng những phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, phát thanh viên, văn nghệ sĩ đang công tác trong ngành phát thanh nhân ngày hội lớn của ngành; chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả của 203 tác phẩm đã xuất sắc lọt vòng Vòng Chung khảo liên hoan.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ, cách đây 77 năm, chỉ 5 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tiếng nói Việt Nam - đài phát thanh đầu tiên của nước Việt Nam mới đã cất lên lời xướng hào hùng: "Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". 25 năm sau, ngày 7/9/1970, từ trong lòng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam được thành lập. Kể từ đó, hệ thống các đài phát thanh - truyền hình từ cấp tỉnh, thành phố đến tận phường, xã đã hình thành và không ngừng phát triển mạnh mẽ.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đánh giá cao chủ đề “Linh hoạt chuyển đổi - thích ứng vượt lên” của Liên hoan phát thanh và cho đây là nội dung quan trọng mà ngành phát thanh Việt Nam cần quan tâm, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cùng với sự phát triển của các loại hình báo chí truyền thống là báo viết, báo nói và báo hình, các loại hình báo chí mới như báo điện tử và đặc biệt là mạng xã hội ra đời và phát triển mạnh mẽ đã tạo nên sự cạnh tranh gay gắt với các loại hình báo chí truyền thống.

Tại lễ khai mạc, các đại biểu đã được nghe những phóng sự xúc động, giao lưu với những nhà báo về những câu chuyện tác nghiệp, đặc biệt là trong thời kỳ cả nước gồng mình chống đại dịch. Ban Tổ chức Liên hoan cũng đã vinh danh Ban Giám khảo, những nhà báo có uy tín, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, những người góp phần quan trọng vào thành công của Liên hoan.

Dự kiến, Liên hoan sẽ trao các giải thưởng vào lễ bế mạc, tổ chức vào hồi 20h ngày 6/8/2022 tại Nhà hát TPHCM.

Vòng chung khảo Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV năm 2022 được tổ chức từ ngày 31/7 đến ngày 7/8.

Liên hoan năm nay có số lượng tác phẩm dự thi nhiều nhất từ trước tới nay với hơn 500 tác phẩm. Có 203 tác phẩm của 86 đơn vị lọt vào vòng chung khảo, gồm 65 tác phẩm thuộc thể loại phóng sự, 37 tác phẩm thuộc thể loại phỏng vấn; 11 câu chuyện truyền thanh; 57 chuyên đề phát thanh, 33 kịch truyền thanh, 34 chương trình phát thanh trực tiếp.

Các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo được đánh giá rất cao, đã phản ánh được không khí của cuộc sống hiện nay. Nổi bật lên là những vấn đề liên quan đến việc đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào cuộc sống, cuộc chiến chống dịch COVID-19, những vấn đề phục hồi và phát triển kinh tế. Đặc biệt, có rất nhiều tác phẩm nói về gương người tốt, việc tốt. Đây là những thành công ban đầu của Liên hoan lần này. Theo Ban Tổ chức, riêng thể loại phát thanh trực tiếp nhận được sự quan tâm của 31 đơn vị, bởi đây là thể loại mang xu thế của phát thanh hiện đại và được các đơn vị dự thi đầu tư rất công phu.

Điểm mới trong liên hoan phát thanh năm nay là Ban Tổ chức quyết định tổ chức thi và trao giải Giọng vàng, nhằm phát hiện và tôn vinh những phát thanh viên/người dẫn chương trình có giọng đọc, dẫn chương trình phát thanh xuất sắc; trao giải cho 2 thể loại: Kỹ thuật dàn dựng xuất sắc và thể loại Ứng dụng nền tảng số.

Trong khuôn khổ Vòng Chung khảo Liên hoan, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM cũng đã tổ chức các hoạt động nghiệp vụ sôi nổi, tạo diễn đàn cho những người làm phát thanh tại Việt Nam giao lưu, gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm. Đó là triển lãm "Thành tựu phát triển kinh tế-xã hội TPHCM" và "Thành tựu phát triển của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM", hội thảo quốc tế "Phát triển nguồn thu cho các đài phát thanh-truyền hình trong xu hướng chuyển đổi số", hội thảo kỹ thuật "Thách thức của phát thanh trong giai đoạn chuyển đổi số", hội thảo "Trao đổi mô hình, giải pháp, kế hoạch triển khai Nền tảng Phát thanh số quốc gia", hội thảo "Sản xuất chương trình phát thanh giải trí trong bối cảnh bùng nổ giải trí trực tuyến", hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm làm phát thanh trực tiếp" và nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm nghiệp vụ khác.

PL