Khách quốc tế đến Việt Nam gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Sau khi mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022, ngành Du lịch Việt Nam đã đạt được những tín hiệu tích cực. Từ đầu năm đến nay lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái, khách nội địa cũng tăng gấp 1,8 lần của cả năm 2021. 
tai-xuong-2-1659169416.jpg
Khách quốc tế đến Việt Nam trong 7 tháng của năm 2022 tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/7, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7 đạt 352,6 nghìn lượt người, tăng 49% so với tháng trước và gấp 47,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng của năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 954,6 nghìn lượt người, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 90,3% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Trong tổng số gần 954,6 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam 7 tháng của năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt 831 nghìn lượt người, chiếm gần 87,1% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 13,5 lần so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 123,3 nghìn lượt người, chiếm 12,9% và gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước; bằng đường biển đạt 257 lượt người, chiếm 0,03% và tăng 8,9%.

Trong đó, lượng khách châu Á đến Việt Nam nhiều nhất với 638,3 nghìn lượt người, tăng gấp 7,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Khách châu Âu là 142,9 nghìn lượt, châu Mỹ là 121,5 nghìn lượt, châu Đại Dương là 48,4 nghìn lượt và châu Phi là 3,4 nghìn lượt.

Ở lĩnh vực lưu trú, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng của năm 2022 ước đạt 324,9 nghìn tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu vui chơi và du lịch của người dân tăng cao trong dịp hè. Đặc biệt, doanh thu tháng 7 của lĩnh vực lưu trú tăng 134,7% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng của năm 2022 ước đạt 11,9 nghìn tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ yếu tố đặc biệt là du lịch nội địa.

Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng của năm 2022 tăng cao là: Khánh Hòa tăng 858,4%; Cần Thơ tăng 328,3%; Đà Nẵng tăng 284,8%; Hà Nội tăng 216,8%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 111,4%.

Những kết quả trên của ngành du lịch đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, cải thiện doanh thu và lợi nhuận đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, lưu trú du lịch và vận tải du lịch.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, Việt Nam là một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Đây là sự nỗ lực không nhỏ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, trong việc đưa nền kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Mục tiêu đến năm 2025, tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700-1.800 nghìn tỷ đồng (tương đương 77 – 80 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 13 – 14%/năm, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12 – 14%; tạo ra khoảng 5,5 – 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12 – 14%/năm. Phấn đấu đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12 – 14%/năm và khách nội địa từ 6 – 7%/năm.

Thực hiện Chiến lược này, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, tạo điểm nhấn thu hút du khách. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

MP