Indonesia dành gần 32 tỷ USD cho các chương trình xã hội hậu đại dịch

Lã Thị Thúy Hằng
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Chính phủ Indonesia có kế hoạch chi 476.000 tỷ Rupiah (31,8 tỷ USD) cho các chương trình trợ giúp xã hội trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang chuyển tiếp từ giai đoạn đại dịch COVID-19 sang giai đoạn bệnh lưu hành.

Chú thích ảnh

Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) khẳng định chính phủ của ông sẽ không đột ngột ngừng những khoản chi lớn dành cho các chương trình xã hội nhằm trợ giúp người dân và doanh nghiệp ứng phó với tác động kinh tế của đại dịch trong 3 năm qua.

Phát biểu tại cuộc họp mới đây của Ủy ban Xử lý COVID-19 và Phục hồi kinh tế quốc gia (PC-PEN), Tổng thống Jokowi nêu rõ: “Sau khi dỡ bỏ các quy định hạn chế vào cuối năm 2022, chúng ta đang ở trong giai đoạn tạm thời, theo đó, cần duy trì sự thận trọng, đặc biệt là trong quá trình đưa ra quyết định về các biện pháp kinh tế”.

Theo nhà lãnh đạo này, trái ngược với các quốc gia khác vốn đã và đang trải qua tình trạng lạm phát tăng cao, Indonesia đã thể hiện sự kiên trì một cách hiệu quả cho đến năm 2022 với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,72% trong Quý III/2022.

Về phần mình, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Kinh tế Airlangga Hartarto cho biết Chính phủ Indonesia đã thiết lập một số biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn trong giai đoạn chuyển đổi.

Bộ trưởng Airlangga nhấn mạnh gói ngân sách trị giá 476.000 tỷ Rupiah sẽ được sử dụng để tài trợ cho các chương trình xã hội khác nhau như cung cấp thực phẩm thiết yếu với giá cả phải chăng, hỗ trợ tiền mặt cho các gia đình có thu nhập thấp và tạo việc làm.

Cũng theo ông Airlangga, để duy trì sức mua của người dân trong giai đoạn chuyển tiếp, bảo vệ những người yếu thế và các nhóm dễ bị tổn thương khác, Chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục thực hiện những sáng kiến trên, cũng như triển khai các chỉ số cảnh báo sớm và hệ thống cảnh báo sớm.

Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng sẽ phân bổ 178.700 tỷ Rupiah cho các chương trình chăm sóc sức khỏe thông qua Bộ Y tế, Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm (BPOM), Cơ quan Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình Quốc gia (BKKBN).