Huyện đảo Lý Sơn đã có gió giật cấp 11, bão Noru đã tiến gần sát đến đất liền

Đặng Thu Hằng
Chiều 27/9, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã ghi nhận gió mạnh cấp 8, giật cấp 11. Huyện đảo đang kiểm tra công tác tổ chức sơ tán người dân đến các nhà kiên cố để tránh trú bão Noru.

Vào khoảng 13h ngày 27/9 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 (Noru), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã xuất hiện gió mạnh cấp 8, giật cấp 11, đảo Phú Quý gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Đến 14h30 cùng ngày, địa phương bắt đầu có mưa to kèm gió lớn kéo dài.

Ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, cho biết đến 14h ngày 27/9, khu vực huyện đảo Lý Sơn đã có gió cấp 8, giật cấp 11. Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã đi kiểm tra công tác sơ tán dân vùng ven biển huyện Bình Sơn, địa phương có thể ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 4.

"Tôi yêu cầu lực lượng vũ trang phối hợp với địa phương giúp dân sơ tán đến các khu ký túc xá, trường học để tránh trú bão đảm bảo an toàn tính mạng. Trước 14h, việc sơ tán dân tránh bão phải hoàn thành", ông Minh yêu cầu.

chitamlyson2-iwem-1664269967.jpeg
Biển động mạnh tại đảo Lý Sơn sáng ngày 27-9. (Ảnh: SGGP)

Đến 14h cùng ngày, các địa phương ở Quảng Ngãi đã di dời hơn 53.000 người dân vùng trũng, thấp, ven sông, ven biển và vùng nguy cơ sạt lở núi đến các nơi tập trung để tránh bão.

Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, cho biết trước diễn biến phức tạp của thiên tai, địa phương đã hỗ trợ sơ tán 17 hộ với hơn 40 người dân ở đảo Bé và thôn Đồng Hộ, đảo Lớn đến ở xen ghép với các hộ dân có nhà kiên cố để tránh bão số 4.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản nghiêm cấm người dân tại huyện đảo Lý Sơn không được ra khỏi nhà từ 10 giờ ngày 27-9 để đảm bảo an toàn, hiện tất cả người dân huyện đảo đã di dời, tập trung đến nơi an toàn, kiên cố.

duadandennoiantoanlyson3-myaz-1664270078.jpeg
Vận động người dân đến nơi an toàn. (Ảnh: SGGP)

Tại Quảng Nam, 15h cùng ngày, dù bão số 4 chưa đổ bộ vào đất liền nhưng tại bờ biển Tam Thanh, TP Tam Kỳ, sóng biển động mạnh và gió rất mạnh. Tại những khu vực ven biển, chính quyền địa phương đã đặt bảng cấm tắm biển và nhiều nhà hàng, quán ăn dọc bờ biển này đã chằng chống cột dây thừng để giữ cố định khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền, đồng thời cũng đóng cửa buôn bán để phòng, chống bão.

Theo ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, cho biết đến trưa nay, địa phương đã hoàn tất việc thực hiện sơ tán người dân đến nơi tránh, trú bão an toàn. Địa phương đã sơ tán hơn 4.300 hộ dân với hơn 14.700 nhân khẩu. Trong đó, có hơn 2.300 hộ sơ tán xen ghép và hơn 2.000 hộ sơ tán tập trung tại các địa điểm kiên cố trong trung tâm thành phố.

Đến đầu giờ chiều 27/9, TP Tam Kỳ đã có mưa nặng hạt và gió bắt đầu lớn dần. Người dân địa phương cũng gần như hoàn thành chằng chống nhà cửa để phòng tránh bão Noru.

anh-chup-man-hinh-2022-09-27-luc-162051-1664270467.png
 Bãi biển Tam Thanh chiều ngày 27/9. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Tại huyện Núi Thành, Quảng Nam, gần 50 cán bộ, chiến sĩ sử dụng đò tiếp cận thôn Long Thạnh Tây, hỗ trợ gần 100 hộ dân với 285 nhân khẩu di chuyển vào đất liền. Sau đó, xe của Sư đoàn 315 đưa người dân đến tránh trú bão tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (xã Tam Giang, Núi Thành).

Lãnh đạo xã Tam Hải cho hay địa phương đã cắt cử nhân lực phục vụ nhân dân xã đảo Long Thạnh Tây trong thời gian tránh bão. Lực lượng dân quân sẽ thường trực 24/24 và phục vụ các suất cơm, nước uống và hỗ trợ tình huống khẩn cấp nếu có. Xã cũng đã chuẩn bị lương thực dự phòng đảm bảo trong 7 ngày tới.Tại Quảng Ngãi.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết lúc 13h, tâm bão cách đất liền Đà Nẵng - Quảng Ngãi 270 km về phía đông. Sức gió duy trì mạnh nhất cấp 14-15, giật trên cấp 17 trong những giờ qua.

Cơ quan khí tượng nhận định trong 12 giờ tới, bão giữ cường độ trên và đi vào vùng biển từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi. Lúc 1h sáng 28/9, sức gió mạnh nhất vẫn ở cấp 14-15.

Thu Hằng