Hướng dẫn xếp lương viên chức giáo vụ trong trường học

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức giáo vụ trong trường phổ thông dân tộc nội trú; trường trung học phổ thông chuyên; trường dự bị đại học và trường dành cho người khuyết tật công lập.
nhan-vien-thiet-bi-truong-hoc0605101322-16595015038391291483960-1659663303.jpg
Viên chức giáo vụ quản lý, theo dõi hệ thống hồ sơ, sổ sách của nhà trường liên quan đến học sinh

Theo dự thảo, mã số chức danh nghề nghiệp viên chức giáo vụ là V.07.07.21.

Viên chức giáo vụ có nhiệm vụ: Lập kế hoạch, thực hiện công tác giáo vụ hàng năm của nhà trường; báo cáo định kỳ, thường xuyên theo quy định; Quản lý, theo dõi hệ thống hồ sơ, sổ sách của nhà trường liên quan đến học sinh; Phối hợp thực hiện công tác tuyển sinh và các nhiệm vụ được giao liên quan đến thi, kiểm tra, đánh giá học sinh; Phối hợp với giáo viên quản lý, theo dõi học sinh hàng ngày; tổng hợp kết quả học tập và rèn luyện của học sinh; Hoàn thành các chương trình bồi dưỡng; tự học, tự bồi dưỡng trau dồi đạo đức, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ; Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.

Về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, viên chức giáo vụ phải: Chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và các quy định của ngành; Trung thực, khách quan, có ý thức trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm. Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của cán bộ viên chức; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp và học sinh; Thực thi nhiệm vụ theo đúng quy chế, quy định, quy trình chuyên môn kỹ thuật và các quy định khác của pháp luật.

Về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng phải: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm (hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng các chuyên ngành khác phù hợp với vị trí việc làm giáo vụ) trở lên; Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giáo vụ.

Về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa phương về giáo dục cấp học đang công tác; Thực hiện có hiệu quả kế hoạch, chương trình giáo dục của nhà trường; Có năng lực tổ chức và quản lý để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của viên chức giáo vụ; Có khả năng phối hợp và giao tiếp tốt với đồng nghiệp; tư vấn, hỗ trợ học sinh và cha mẹ học sinh trong thực thi nhiệm vụ; Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghề nghiệp.

Thông tư cũng quy định, rõ việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp đối với viên chức giáo vụ quy định tại Thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ, năng lực của viên chức;

Khi bổ nhiệm từ các ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức hiện giữ vào chức danh nghề nghiệp viên chức giáo vụ theo quy định tại Thông tư này không được kết hợp nâng bậc lương viên chức.

Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức giáo vụ mã số V.07.07.21 đối với: Viên chức đang làm công tác giáo vụ trong các trường phổ thông dân tộc nội trú; trường trung học phổ thông chuyên; trường dự bị đại học và trường dành cho người khuyết tật công lập, đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 Thông tư này mà chưa được bổ nhiệm theo quy định của Thông tư số 07/2019/TT-BGDĐT; Viên chức giáo vụ mới được tuyển dụng sau khi hết thời gian tập sự theo quy định và được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đánh giá đạt yêu cầu.

Viên chức đã được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp nhân viên giáo vụ theo quy định của pháp luật từ trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì được xác định là đáp ứng quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giáo vụ quy định tại Thông tư này tương ứng với chức danh nghề nghiệp đã được bổ nhiệm.

Viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức giáo vụ mã số V.07.07.21 quy định tại Thông tư này được áp dụng bảng lương viên chức loại A0 tại bảng 3 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP).

Việc xếp lương thực hiện như sau:

Trường hợp có trình độ cao đẳng trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm giáo vụ thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức giáo vụ và được xếp lương theo viên chức loại A0 ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP;

Trường hợp đang xếp lương theo viên chức loại A1 trở lên hoặc theo viên chức loại B thì được xếp lại lương theo hướng dẫn tại Khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức;

Khi thực hiện chính sách tiền lương mới, việc chuyển xếp sang lương mới thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Đối với trường hợp viên chức hiện đang làm công tác giáo vụ chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư này thì vẫn được bố trí làm công tác giáo vụ và được giữ nguyên hệ số lương hiện hưởng đến khi kết thúc hợp đồng hoặc nghỉ hưu; Trường hợp viên chức hiện đang làm công tác giáo vụ chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo nhưng học tập để đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư này thì được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức giáo vụ mã số V.07.07.21, thời gian giữ hạng được tính kể từ ngày đảm nhiệm vị trí làm công tác giáo vụ.

Mai Phương