Hướng dẫn đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Ngày 30/6/2022, Ủy ban Dân tộc ban hành Thông tư 02/2022/TT-UBDT hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, 
dtts151019-16583078738421936266477-1658412605.jpg
Đầu tư xây dựng đường giao thông, trường học, cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng đồng bào dân tộc

Trong đó, tại Chương V, mục 1 của Thông tư đã hướng dẫn chi tiết về tiểu dự án: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), ưu tiên đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK).

Thông tư nêu rõ đối tượng áp dụng của tiểu dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS&MN, ưu tiên đối với các thôn, xã ĐBKK bao gồm:

1. Các xã, thôn bản ĐBKK (xã khu vực III, các thôn, bản ĐBKK), xã ATK khu vực I, II (xã chưa được cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, xã chưa được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình 135).

2. Các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS&MN (đối với nội dung đầu tư xây dựng đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên xã).

Nội dung thực hiện được thực hiện heo quy định tại điểm a khoản 4 Mục III Chương trình ban hành kèm ttheo Quyết định số 1719/QĐ-TTg.

Về nguyên tắc thực hiện. Ngoài các nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Thông tư như: Công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở, đúng đối tượng, đúng định mức, không chồng chéo, phát huy tinh thần vươn lên của người dân và cộng đồng. Đảm bảo sự tham gia, giám sát của người dân trong quá trình bình xét đối tượng và triển khai các nội dung hỗ trợ của dự án; Ưu tiên các đối tượng khó khăn; Đa dạng hóa và lồng ghép các nguồn lực thực hiện Chương trình. Tăng cường sự phối hợp giữa nhà nước, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có liên quan. Bố trí nguồn lực thực hiện hỗ trợ, đầu tư đồng bộ để đạt mục tiêu đề ra của Chương trình; Tập trung triển khai các dự án đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả; không phê duyệt và triển khai các dự án đầu tư mang tính dàn trải, manh mún, hiệu quả ngắn hạn; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; Tôn trọng các giá trị văn hóa, tri thức truyền thống, thiết chế cộng đồng; đảm bảo các yếu tố thị trường, bình đẳng giới, giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu… Thì việc triển khai thực hiện các nội dung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS&MN; ưu tiên đối với các xã ĐBKK, thôn ĐBKK phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

Đảm bảo tất cả các xã, thôn thuộc diện đầu tư được phân bổ vốn của của tiểu dự án.

Phân bổ vốn đầu tư các công trình đặc thù thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Các công trình sử dụng nguồn vốn Chương trình phải gắn biển công trình với các nội dung: Tên công trình; Nguồn vốn: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030; Chủ đầu tư; Đơn vị thi công; Tổng vốn đầu tư; Quy mô công trình; Thời gian khởi công; Thời gian hoàn thành.

Về cơ chế thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ căn cứ vào mức độ ưu tiên và tình hình thực tế của địa phương, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện được tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển để đầu tư khởi công mới một số công trình mà người dân có nhu cầu cấp thiết tại xã, thôn ĐBKK theo hình thức luân phiên, nhưng phải đảm bảo vốn đầu tư không vượt quá tổng vốn đầu tư phát triển dự kiến phân bổ cho xã, thôn theo giai đoạn; Đối với các công trình áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng (sau đây gọi là cơ chế đặc thù) quy trình triển khai thực hiện theo quy định tại Chương IV Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và quy định cụ thể của UBND cấp tỉnh; Đối với công trình không áp dụng cơ chế đặc thù quy trình triển khai thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng và các quy định có liên quan.

Về duy tu, bảo dưỡng và quản lý, vận hành công trình: Những công trình phục vụ lợi ích chung trong phạm vi xã, thôn do UBND cấp xã quản lý được sử dụng kinh phí hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng của tiểu dự án để thực hiện; không sử dụng kinh phí của Tiểu dự án để duy tu, bảo dưỡng công trình đã bàn giao cho hộ, nhóm hộ quản lý sử dụng.

Kinh phí hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng chỉ sử dụng cho sửa chữa nhỏ, tu bổ, bảo trì thường xuyên nhằm duy trì hoạt động bình thường của công trình; không sử dụng cho xây mới, nâng cấp, sửa chữa lớn công trình.

UBND cấp xã là chủ đầu tư đối với nguồn kinh phí hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng công trình. Hằng năm, căn cứ quy trình duy tu, bảo dưỡng do UBND cấp tỉnh ban hành và hiện trạng công trình trên địa bàn xã, UBND cấp xã lập danh mục công trình, hạng mục công trình cần duy tu, bảo dưỡng; thông báo, đồng thời tổ chức thảo luận công khai kế hoạch duy tu, bảo dưỡng đến người dân và cộng đồng; tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt kinh phí duy tu, bảo dưỡng từng công trình và hoàn thiện kế hoạch duy tu, bảo dưỡng trên địa bàn xã, trình Hội đồng nhân dân xã thông qua, đồng thời gửi UBND cấp huyện tổng hợp; ưu tiên duy tu bảo dưỡng đối với những công trình cấp thiết trên địa bàn xã, thôn bản ĐBKK nhất trước.

Mai Phương