Bình quân mỗi năm gần 700.000 người rút BHXH một lần với số lượng năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình 11%. Tổng kinh phí chi trả giai đoạn này là 131.940 tỷ đồng, theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tại báo cáo đầu tháng 3 về triển khai Nghị quyết 93/2015 của Quốc hội thực hiện chính sách BHXH một lần.
Người rút phần lớn làm việc trong doanh nghiệp với gần 2,9 triệu (90,7%); tiếp đến là khu vực nhà nước 257.000 (8%) và lao động tham gia BHXH tự nguyện 38.800 (1,2%). Có sự chênh lệch lớn giữa các khu vực do tính chất công việc của lao động khối FDI và tư nhân thường chịu áp lực, dễ nhảy việc nên thường muốn hưởng BHXH một lần. Lao động nam rút BHXH một lần có độ tuổi bình quân 34 với 4,5 năm đóng BHXH và nữ là 32 tuổi với trung bình 4 năm tham gia.
Lý giải việc ngày càng nhiều người chọn rời bỏ hệ thống an sinh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng lao động làm việc trong khu công nghiệp có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều. Khi mất việc làm, họ đối mặt với chi tiêu trước mắt nên nghĩ ngay tới BHXH một lần. Theo thống kê, nhóm từ 20 đến 40 tuổi chiếm 77,5% tổng số người rút, trong khi sau độ tuổi 40 chiếm 22,5%.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với một số cơ quan khảo sát ngẫu nhiên 207 công nhân rút BHXH một lần tại Hà Nội, TP HCM, Bắc Giang, Long An, cho kết quả điều đầu tiên họ nghĩ đến sau khi thôi việc là nhận trợ cấp thất nghiệp rồi mới đến đi vay để trang trải cuộc sống. Giữa đi vay và rút BHXH một lần, họ lựa chọn rút.
Nhiều người vẫn coi phần đóng góp của doanh nghiệp (14% đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất) là phúc lợi từ việc làm mà không coi là khoản đóng góp nhà nước yêu cầu người sử dụng lao động thực thi suốt quá trình làm việc để bảo vệ lao động khi về già. Đại dịch, cắt giảm việc làm cũng thúc đẩy tình trạng rút BHXH một lần diễn ra phổ biến hơn, trong khi liên kết, hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay còn yếu.
Việc cho rút BHXH một lần hiện khá thông thoáng, với điều kiện lao động đóng dưới 20 năm, sau một năm nghỉ việc mà không tiếp tục tham gia hoặc đóng tự nguyện thì được rút. 98,8% lao động rút một lần là người ngừng đóng sau một năm, trong khi số người đến tuổi về hưu nhưng chưa đủ số năm đóng, chọn rút một lần chiếm 0,79%. "Điều này cho thấy việc khuyến khích lao động bảo lưu thời gian đóng không đạt được mục tiêu như mong muốn", báo cáo nêu.
Trong bối cảnh dân số đang già hóa nhanh, dự báo đạt 23,3 triệu (chiếm 20,9% dân số) vào năm 2040, tình trạng rút một lần gia tăng khiến độ bao phủ an sinh ngày càng thu hẹp. Tương lai, ngân sách nhà nước phải chi trợ cấp xã hội nhiều hơn cho người già không hưu trí.
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được lấy ý kiến, ngoài đề xuất giảm năm đóng BHXH từ 20 xuống 15 để được hưởng lương hưu, thiết kế thêm tầng hưu trí, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất thêm phương án hạn chế rút BHXH một lần, chỉ giải quyết 50% tổng thời gian đóng và bảo lưu phần còn lại cho đến khi lao động tới tuổi nghỉ hưu. Nếu lao động quay trở lại hệ thống, chọn đóng tiếp thì cộng nối thời gian cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Nếu chưa đủ thời gian tham gia thì có thể chọn đóng một lần cho số năm còn thiếu, hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc hưởng BHXH một lần.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được lấy ý kiến đến tháng 4, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6, trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024, có hiệu lực từ 1/1/2025.
Việc siết hay nới điều kiện hưởng BHXH một lần gây nhiều tranh cãi mỗi lần sửa luật. Năm 2015, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (hiệu lực từ 1/1/2016), điều 60 quy định người lao động không được hưởng BHXH một lần sau nghỉ việc mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu. Thời gian chấm dứt hợp đồng, lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn việc làm và cộng dồn số năm đóng nếu tiếp tục đi làm trong doanh nghiệp có đóng BHXH bắt buộc.
Quy định đã bị phản ứng, công nhân ngừng việc tập thể. Quốc hội sau đó sửa luật theo hướng để lao động tự chọn hưởng BHXH một lần, hoặc bảo lưu để đóng tiếp nếu có điều kiện.
Hồng Chiêu