Hơn 1,2 tỷ đồng hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) – 6 tháng đầu năm 2018, Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Đức Hòa (Long An) cùng chính quyền địa phương và các mạnh thường quân đã chung tay vận động được 1,2 tỷ đồng ủng hộ nạn nhân da cam.

Ông Võ Văn Vừa – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Đức Hòa phấn khởi cho biết: Qua 6 tháng đầu năm 2018, Hội cùng chính quyền địa phương và các mạnh thường quân đã chung tay vận động được 1,2 tỷ đồng. Hiện huyện có 877 Hội viên là nạn nhân chất độc da cam, trong đó có 200 người có hoàn cảnh khó khăn.

Bước đầu, Hội cùng các mạnh thường quân đã ký sổ vàng đóng góp nuôi dưỡng lâu dài cho 22 nạn nhân da cam trên địa bàn huyện, với chế độ hỗ trợ hàng tháng 200.000 đồng/người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sắp tới, Hội sẽ tích cực tiếp tục vận động các tổ chức xã hội, mạnh thường quân mở rộng công tác chăm lo động viên tinh thần và hỗ trợ tiếp cho các nạn nhân còn lại.

IMG_20180810_144240
Nhà báo Nguyễn Văn Cương – Trưởng Cơ quan đại diện phía Nam Báo Nhân đạo và Đời sống (áo trắng) ký Sổ vàng ủng hộ hàng tháng 10 suất hỗ trợ (trị giá 200.000 đồng/suất) cho 10 nạn nhân da cam.

Ông Võ Duy Hiển, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Long An cho biết: “Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Đức Hòa đã hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng củng cố về mặt tổ chức, làm tốt công tác chăm lo giúp đỡ cho Hội viên, gương mẫu chấp hành tốt về mặt chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Hiện tỉnh Long An có 1.545 nạn nhân da cam được hưởng chế độ chăm lo giúp đỡ, trong đó có 450 người là thân nhân của người trực tiếp tham gia kháng chiến. Ngoài ra, còn hơn 6.000 người bị nghi ngờ mắc 17 loại bệnh liên quan đến phơi nhiễm với chất độc da cam/Dioxin trên địa bàn tỉnh”.

20180810_095215
Ông Trần Công Thành – Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Long An ký Sổ vàng ủng hộ nạn nhân da cam. 
hinh  3 (1)
Trao quà cho nạn nhân da cam huyện Đức Hòa.

Ông Lê Văn Nghĩnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Đức Hòa Thượng nói: “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là lương tâm trách nhiệm của cộng đồng và xã hội. Những nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo nhất, đau khổ nhất trong những người đau khổ nhất. Cần lắm những sẻ chia, quan tâm của toàn xã hội để làm vơi đi nỗi đau da cam”.

Vi Hằng – Lê Thuận