Các địa phương cũng đẩy mạnh giải ngân vốn cho vay giải quyết việc làm. Cả nước có 95.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường thời gian dịch bệnh. Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực, tăng gấp hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Thu nhập bình quân của lao động là 7 triệu đồng/tháng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành Lao động- Thương binh và Xã hôi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ cấp thường xuyên hơn 1 triệu 130.000 đối tượng người có công với kinh phí khoảng 14.000 tỷ đồng. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực xã hội góp phần giúp người có công và thân nhân người có công ổn định cuộc sống.
Toàn ngành tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác bảo trợ xã hội; thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng cho hơn 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội và hơn 300.000 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hàng tháng. 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời…
Thực tế cho thấy, thị trường lao động hiện nay phát triển chưa bền vững, vẫn còn hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động, sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao. Chất lượng lao động còn hạn chế. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội có xu hướng tăng chậm. Tình trạng mất việc, cắt giảm việc làm khiến lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cao.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị, địa phương thảo luận, đưa ra các giải pháp tăng cường theo dõi diễn biến tình hình lao động, việc làm, các vấn đề an sinh xã hội; Tiếp tục thực hiện các giải pháp mở rộng độ bao phủ và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Các đơn vị, địa phương tiếp tục hoàn thiện, phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, toàn diện, đa dạng, nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế và người dân tộc thiểu số, người có công... Các đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững...
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: “Chúng ta phải thực hiện tốt các chính sách đang có. Đặc biệt là các chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế và dần dần mở rộng ra các đối tượng khác. Chúng ta phải làm sao các chính sách này được thực hiện tốt, không để tiêu cực xảy ra trong quá trình thực hiện chính sách”.
Theo VOV