Năm 1943, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay là Hà Nội) đã thông qua Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo đã thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp của Đảng và dân tộc.
Đề cương mang sứ mệnh khơi thông những mạch nguồn của văn hóa dân tộc trong bối cảnh đẩy mạnh phong trào phản đế, phản phong, tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, tạo ra sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng văn hóa cho Nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ có tâm huyết, cổ vũ lòng tự hào dân tộc, khích lệ tinh thần dấn thân cho cách mạng, thực sự trở thành ngọn đuốc soi đường cho sự phát triển nền văn hóa mới.
Hội thảo được tổ chức nhằm tiếp tục khẳng định ý nghĩa khoa học, tầm vóc lịch sử và những giá trị trường tồn của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Đồng thời nhằm lan tỏa và phát huy giá trị của đề cương, để chấn hưng và phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam trong thời kỳ mới theo đúng tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tiền hô, hậu ủng”, “Nhất hô, bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”.
Tại hội thảo, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch và lãnh đạo, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn đã trình bày các tham luận tập trung vào những nội dung: “Tìm hiểu những giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam. Sự bổ sung, phát triển của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay”; “Những nhiệm vụ và giải pháp trong công tác chỉ đạo thể chế hóa cơ chế, chính sách văn hóa, xây dựng con người Quảng Trị theo yêu cầu nhiệm vụ của Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”.
“Từ giá trị lý luận và thực tiễn Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc ở tỉnh Quảng Trị”; “Vận dụng, phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Quảng Trị”; “Vận dụng Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vào phát triển văn hóa ở tỉnh Quảng Trị”; “Vận dụng những nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam vào xây dựng nền văn hóa và con người Quảng Trị trong thời kỳ hội nhập và phát triển”.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến sát thực, chân thành, trách nhiệm về những vấn đề liên quan đến chủ đề của hội thảo.
Hoài Nhung