Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa: Tổng kết 30 năm vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm

Tấm Thanh Hóa
Vừa qua, Hội người mù (HNM) tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tổng kết 30 năm vay vốn từ quỹ quốc gia về giải quyết việc làm. Trong 30 năm qua, Hội đã triển khai 246 dự án với 1.142 hộ gia đình hội viên được vay vốn, tổng số vốn vay lên tới 11,434 tỷ đồng xoay vòng.

Qua việc quản lý và sử dụng vốn vay, Hội đã tạo nên lớp người mù mới có kiến thức, chủ động vươn lên hòa nhập cộng đồng. Đời sống vật chất và tinh thần của người mù ngày càng được nâng cao. Hàng trăm hội viên đã thoát nghèo, không những tạo việc làm cho bản thân mà còn tạo việc làm cho những người tàn tật khác. 8 hội viên đã được nhận Giấy khen của Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa, 13 Hội viên được nhận giấy khen của HNM tỉnh Thanh Hóa tại lễ tổng kết.

Ngày 11/4/1992, khi Nghị quyết 120-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về chủ trương, phương hướng và biện pháp giải quyết việc làm; quỹ quốc gia về giải quyết việc làm đã được thành lập. Với chủ trương: Cho các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp vay vốn với lãi suất nâng đỡ, trợ giúp cho các chương trình, dự án với mục tiêu giải quyết ngày càng nhiều việc làm cho người lao động. Đây là chính sách hết sức quan trọng về an sinh xã hội, làm cho đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, với những hội viên HNM Thanh Hóa, được vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, hàng trăm gia đình hội viên đã xóa được đói, giảm được nghèo. Với người mù, đây là một bước tiến vô cùng quan trọng, thể hiện sự nỗ lực, bền bỉ vươn lên tái hòa nhập cộng đồng của người mù tỉnh Thanh Hóa. Điển hình về quản lý và sử dụng vốn vay hiệu quả có: HNM thành phố Thanh Hóa; HNM huyện Thọ Xuân, huyện Nông Cống, huyện Hoằng Hóa.

Nói về chương trình vay vốn quỹ quốc gia về giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, ông Trần Mạnh Cường - Chủ tịch HNM TP.Thanh Hóa chia sẻ: “HNM TP.Thanh Hóa đã triển khai thực hiện chương trình vay vốn được 10 năm với tổng số vốn được quay vòng sử dụng là 2,5 tỷ đồng cho 22 dự án, kéo theo hàng trăm lao động có việc làm. Tỷ lệ hộ nghèo trong Hội đã giảm từ 28,5% (năm 2012) xuống còn 0,06% (năm 2022) tính theo chuẩn nghèo đa chiều mới. Mức sống của người mù đã gần tương đương với mức sống của đại bộ phận người dân nơi cư trú. Nhờ đó, vị thế và năng lực của người mù được xã hội trân trọng và thừa nhận. Dưới góc nhìn của gia đình, của xã hội, người mù đã không còn là gánh nặng.”

Từ nguồn vốn vay, các gia đình hội viên đã đầu tư vào các mô hình: Nuôi bò sinh sản, nuôi lợn thịt, nuôi ngan, gà, vịt, trồng rau, trồng hoa, buôn bán nhỏ... Tiêu biểu như gia đình hội viên Nguyễn Văn Tiếp, Lê Duy Hiền, Lê Viết Giáp xã Quảng Tâm, gia đình hội viên Đỗ Thị Thúy, Lê Thanh Huân, Lê Thanh Giai phường Đông Cương; Hội viên Nguyễn Hữu Huấn, Lê Thị Nhâm phường Long Anh....

Tất cả những kết quả đạt được đã khẳng định mạnh mẽ sự đúng đắn, kịp thời của việc hình thành và vận hành quỹ quốc gia về giải quyết việc làm đối với đời sống xã hội, đăc biệt là với những người nghèo, người yếu thế. Với HNM tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục quản lý và sử dụng vốn vay đúng mục đích, góp phần nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên; tiếp tục ưu tiên tạo việc làm cho những hội viên cô đơn, hội viên là nữ và những hội viên có khả năng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm phát huy hiệu quả tối đa của đồng vốn./.

Tâm Ánh