Chúng tôi đến thăm Hội Nạn nhân CĐDC dioxin Đà Nẵng, tận mắt chứng kiến những người khuyết tật tại đây đang hăng say lao động với những nụ cười rạng rỡ. Các em được che chở, đùm bọc trong một “ngôi nhà hạnh phúc” bởi bàn tay của những “người mẹ hiền” trong Hội Nạn nhân CĐDC TP.Đà Nẵng. Chị Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC TP.Đà Nẵng chính là một trong những “người mẹ” đã gắn cả cuộc đời mình với những hoàn cảnh bất hạnh ấy.

Xuất thân là một nhà giáo chuyên chăm lo, tâm huyết với sự nghiệp trồng người, khi chứng kiến cảnh những con người tàn tật, bất hạnh, chị Hiền đã không cầm được những giọt nước mắt, chị chia sẻ: “Con đường đưa tôi đến với công việc này hoàn toàn xuất phát từ cái tâm, ban đầu tôi mong muốn được chăm sóc, chia sẻ, quan tâm giúp đỡ cho các em tật nguyền nhưng sau một khoảng thời gian dài tôi đã thay đổi suy nghĩ. Đó là, phải tìm công việc nào đó phù hợp với hoàn cảnh các em, mong các em tìm niềm vui trong công việc để quên đi nỗi đau đớn tinh thần cũng như thể xác. Điều này vừa giúp chính bản thân các em có thêm tự tin, bớt đi mặc cảm với xã hội, cũng rèn dạy cho các em thêm nghị lực, ý chí vượt lên số phận nghiệt ngã của chính mình”.
Sự đồng cảm và mong chia bớt nỗi đau với những con người tàn tật đã thôi thúc chị làm một điều gì đó ý nghĩa cho đời. Chị đã đi nhiều nơi, tìm gặp nhiều doanh nghiệp, doanh nhân và các nhà hảo tâm mong nhận được sự chung tay giúp đỡ cho hơn 150 các cháu mồ côi tại Trung tâm.
Với nguyện vọng giúp người khuyết tật vượt qua những mặc cảm, sống có ích, không phải phụ thuộc vào gia đình và xã hội quá nhiều, chị Hiền đã hướng những mảnh đời bất hạnh có một nghị lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống thường nhật: “Để người khuyết tật vượt qua những mặc cảm là một chuyện rất khó vì ai cũng xem mình là những gánh nặng của xã hội, nên cần phải dành nhiều thời gian để làm công tác tư tưởng, động viên họ vượt lên số phận, hòa nhập cộng đồng...”
Đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách, nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền cũng như các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước đã từng bước giúp cho Trung tâm của chị Hiền dần đi vào ổn định, với các chức năng hoạt động như: Giáo dục văn hóa, dạy nghề làm hoa, làm hương, học vi tính, ngoại ngữ, nữ công gia chánh, làm vườn... Trung tâm hướng dẫn dạy nghề cho các em một cách cơ bản, để tự bản thân mỗi em có thể làm ra những sản phẩm mà mình đã học. Khi đó, chị Hiền lại tiếp tục công đoạn nữa là kiếm đầu ra cho sản phẩm để người khuyết tật có thu nhập trang trải trong cuộc sống. Chị vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ vật chất để giúp đỡ thêm cho Trung tâm.
Đến nay, Trung tâm Hội Nạn nhân CĐDC TP.Đà Nẵng đã trở thành một điểm sáng trong công tác dạy nghề và giúp cho hàng trăm ngàn mảnh đời bất hạnh, thiệt thòi tìm được tương lai mới. Tới đây, khi nhìn những con người khuyết tật, dị dạng không còn mặc cảm với đời đó là một trong những điều mà những người làm lãnh đạo Trung tâm như chị Hiền luôn luôn mong muốn và tâm đắc.
Hiện, Trung tâm Hội có 3 cơ sở và trang thiết bị vật chất cơ bản đầy đủ để phục vụ công tác dạy nghề, ăn ở, sinh hoạt cho người khuyết tật. Những sản phẩm do những người khuyết tật của Trung tâm được nhiều người trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Sản phẩm các em làm ra được giới thiệu và bán tại các Hội chợ và triển lãm trong cả nước. Với chị, ngoài việc cần lắm sự đồng hành hỗ trợ về vật chất của doanh nghiệp, nhà hảo tâm với cuộc sống các em, thì chị cũng mong lắm các sản phẩm do người khuyết tật làm ra có một thị trường tiêu thụ ổn định, có như thế, công việc làm của những con người nơi đây mới thật sự có niềm vui trọn vẹn.
Ông Trần Minh Dõng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Viettronimex Đà Nẵng:
Chúng tôi luôn coi sự giúp đỡ, đồng hành với nạn nhân CĐDC và những mảnh đời bất hạnh như là trách nhiệm và nghĩa vụ của một doanh nghiệp. Vì vậy, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoài việc tạo ra lợi nhuận vật chất hữu hình, chúng tôi luôn tham gia các hoạt động xã hội và coi đó là lợi nhuận vô hình mà không phải ai cũng có thể làm được.
Ông Lê Xuân Thìn – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tisco (Đà Nẵng):
Chúng ta nên xem những trẻ em bất hạnh là một phần không thể thiếu của lịch sử để biết sống tốt hơn, biết đối xử và chung sức hơn nữa với mọi hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, bởi “họ” là một phần máu thịt đã hy sinh, mất mát cho chúng ta có cuộc sống tốt đẹp như hiện nay. Qua đây, tôi cũng mong muốn các doanh nghiệp, cá nhân cần quan tâm hơn nữa đến các hoạt động xã hội vì những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.