Hội đã có đóng góp tích cực giúp người dân giảm thiểu rủi ro thiên tai 

Tạp Chí Nhân Đạo
Đất nước ta vừa trải qua một năm thử thách với những diễn biến bất thường của thiên tai. Trong bão lụt, thiên tai, Hội Chữ thập đỏ  Việt Nam đã có sự ứng phó kịp thời, hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống. nhadaoonline.vn xin giới thiệu bài viết trao đổi với ông Nguyễn Hải Anh- Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về một số kết quả hoạt động phòng ngừa ứng phó thiên tai của Hội năm qua. 
PV: Thưa ông, với phương châm “nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả”, ông có thể cho biết năm 2020 , công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai thảm họa của Hội đã được triển khai và đạt kết quả như thế nào?
PCT.TTK Nguyễn Hải Anh: Với tổng giá trị hoạt động của toàn Hội trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa năm 2020 đạt trên 552 tỷ đồng, trợ giúp trên 1,5 triệu lượt người, có thể khẳng định năm 2020, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực của các hình thái thời tiết, khí hậu cực đoan, song công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa của Hội đã đạt được những kết quả vượt bậc, đóng góp tích cực vào thành tích chung của cả nước trong xây dựng cộng đồng an toàn, giảm thiểu rủi ro thiên tai, thảm họa, tích cực ứng phó trước tác động của biến đổi khí hậu, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, các địa phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, tại Hội nghị làm việc với các tỉnh miền Trung về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn tại Quảng Bình ngày 24/10/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương, khen ngợi các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã kịp thời, chủ động và tích cực triển khai hiệu quả các hoạt động ứng phó, hỗ trợ người dân vùng thiên tai.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Hải Anh (bên trái) trao tặng thùng hàng gia đình cho người dân vùng lũ Quảng Bình.
PV: Để đạt được kết quả trên, Trung ương Hội đã có sự chỉ đạo và vào cuộc như thế nào, thưa ông?
PCT.TTK Nguyễn Hải Anh: Ngay từ đầu năm 2020, Trung ương Hội đã lãnh đạo, chỉ đạo các tỉnh, thành Hội chủ động triển khai xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa. Theo đó, toàn hệ thống Hội đã xây dựng, ban hành Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa, trong đó xác định rõ các phương án ứng phó theo từng cấp độ rủi ro thiên tai và đảm bảo sẵn sàng theo phương châm 4 tại chỗ. Một trong những nét mới của năm 2020 đó là việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa, đặc biệt là ứng phó sớm và cảnh báo sớm bước đầu đạt được kết quả khả quan. Công tác phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực, đồng thời tối ưu hóa việc sử dụng và huy động lực lượng ứng phó thảm họa các cấp. Công tác phát triển mô hình cộng đồng an toàn có nhiều nét mới. Đặc biệt, công tác truyền thông, nhất là truyền thông trên các phương tiện truyền thông quốc tế về tình hình thiên tai, thảm họa và công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được hết sức chú trọng, kịp thời thông qua việc trả lời phỏng vấn các hãng thông tấn, truyền hình lớn trên thế giới, cung cấp bản tin bằng tiếng Anh 2 ngày/lần cho các tổ chức đối tác trong và ngoài Phong trào Chữ thập đỏ- Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế… đã hỗ trợ tích cực cho việc vận động nguồn lực phục vụ công tác khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa.
PV: Thưa ông, với những diễn biến dị thường của thời tiết những năm gần đây, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ có sự chuyển hướng như thế nào để ứng phó ngày càng tốt hơn với thiên tai, thảm họa?
PCT.TTK Nguyễn Hải Anh: Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực có nhiều nguy cơ thiên tai, thảm họa như: Bão, giông, lốc xoáy, mưa đá, lũ lụt, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, rét đậm, rét hại…Ước tính, khoảng 60% tổng diện tích đất đai và 71% dân số phải chịu nguy cơ bão và lũ lụt.


Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao bộ dụng cụ sửa nhà tặng người dân vùng bị thiên tai

Trước diễn biến dị thường, bất định của thiên tai, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi phương pháp ứng phó từ bị động sang chủ động, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, tiên tiến, với hàm lượng khoa học cao trong công tác phòng, chống thiên tai, nhất là việc ứng dụng các nghiên cứu khoa học và thông tin dự báo, cảnh báo để tối ưu hóa các hành động ứng phó của Hội, nhất là giai đoạn phòng ngừa, ứng phó sớm. Cuối năm 2020, với sự trợ giúp của Hội Chữ thập đỏ Đức, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã hoàn tất việc xây dựng mô hình và Khung hành động sớm theo phương thức “Đầu tư dựa trên cảnh báo” (FbF) đối với loại hình thiên tai nắng nóng tại Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng. Đây là mô hình và Khung hành động sớm theo phương thức FbF đầu tiên trên thế giới đối với nắng nóng, là đóng góp tích cực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho Phong trào. Từ thành công bước đầu này, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện Khung hành động sớm đối với 2 loại hình thiên tai phổ biến nhất là bão và lụt, dự kiến hoàn thành ngay trong năm 2021.
Hội cũng sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các cơ quan, các ngành và địa phương trong triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa theo đúng tinh thần, phương châm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Trung ương Hội sẽ triển khai và ban hành đồng bộ Kế hoạch phòng ngừa ứng phó thiên tai, thảm họa ngay từ đầu năm 2021, kết hợp phương án phòng, chống thiên tai các cấp theo cấp độ rủi ro thiên tai; chỉ đạo các cấp Hội sẵn sàng nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn lực ứng phó thiên tai; chú trọng công tác truyền thông, công tác vận động nguồn lực; chú trọng phối hợp với các cấp, các ngành nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng ngừa rủi ro thiên tai; bồi dưỡng nâng cao năng lực cho Đội ứng phó thảm họa các cấp; xây dựng cộng đồng an toàn. Bên cạnh đó, tiếp tục chú trọng nâng cao năng lực hậu cần của Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa trong tình hình mới. 
Trần Thu Hương (thực hiện)