Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam 15 năm nỗ lực thúc đẩy quyền trẻ em

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, từ một tổ chức xã hội tự nguyện, đến nay, Hội đã vận động lập được 26 Hội thành viên, 24 Chi hội, 5 trung tâm, đơn vị trực thuộc với hàng chục nghìn hội viên.

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa trao học bổng cho trẻ em tại chương trình Thắp sáng những ước mơ. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa trao học bổng cho trẻ em tại chương trình Thắp sáng những ước mơ. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Ngày 7/4, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 15 năm thành lập (8/4/2008-8/4/2023).

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa bày tỏ tình cảm, sự biết ơn về những đóng góp, cống hiến của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, Hội viên từ Trung ương đến địa phương đã dành tình thương, trách nhiệm, sự tận tụy, hy sinh hết mình cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ quyền trẻ em, tạo nền tảng rất quan trọng để Hội có được những kết quả đáng tự hào.

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chính thức được thành lập theo Quyết định số 464/QĐ-BNV ngày 8/4/2008 của Bộ Nội vụ. Hội ra đời với sứ mệnh tập hợp, đoàn kết công dân, tổ chức tại Việt Nam có tâm huyết, tự nguyện hoạt động, phấn đấu vì mục đích làm cho trẻ em được hưởng các quyền cơ bản; tham gia ngăn chặn mọi hành vi xâm hại quyền trẻ em theo quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn. Vai trò, trách nhiệm của Hội đã được pháp luật quy định.

Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, từ một tổ chức xã hội tự nguyện, tự chủ hoàn toàn với hơn 147 hội viên, đến nay, Hội đã vận động thành lập được 26 Hội thành viên, 24 Chi hội, 5 trung tâm, đơn vị trực thuộc với hàng chục nghìn hội viên và thành viên mạng lưới cơ sở tại 41 tỉnh, thành phố; tập hợp được đội ngũ chuyên gia có bề dày kinh nghiệm trong công tác trẻ em.

Đặc biệt, Hội đang duy trì 3 mô hình luật sư bảo vệ trẻ em tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với khoảng 60 luật sư, luật gia là thành viên chưa tính đến các luật sư, luật gia trực thuộc một số Hội địa phương.

Trong 5 năm qua (2018-2023), Hội đã tiếp nhận hơn 500 thông tin phản ánh của công dân gửi đến thông qua đơn thư, email, tư vấn trực tiếp... liên quan đến vi phạm quyền trẻ em. Hội đã hỗ trợ tư vấn, xử lý và gửi công văn kiến nghị tới các cơ quan Nhà nước có liên quan đề nghị giải quyết gần 300 trường hợp; hỗ trợ pháp lý cho hàng chục ca xâm hại trẻ em…

Từ khi thành lập, Hội luôn được các cơ quan Nhà nước tin tưởng, tham khảo ý kiến trong các vấn đề liên quan đến trẻ em, được các tổ chức xã hội trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế về trẻ em, các cơ quan truyền thông tôn trọng và coi như một đầu mối-tổ chức xã hội đại diện cho tiếng nói của trẻ em.

Với vai trò, trách nhiệm của mình, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tích cực hoạt động và đạt được nhiều kết quả đáng kể: tham gia góp ý 18 văn bản, dự thảo Luật, chính sách, chương trình quốc gia liên quan tới trẻ em, nhiều góp ý của Hội đã được xem xét, tiếp thu; thực hiện được 15 nghiên cứu, khảo sát về các lĩnh vực liên quan tới trẻ em.

Hội đã tham gia các đoàn giám sát việc thực hiện quyền trẻ của các bộ, ngành, Quốc hội; lên tiếng, phát biểu chính kiến dưới góc độ bảo vệ quyền trẻ em trước nhiều vụ việc và tại hàng trăm hội nghị, hội thảo liên quan tới lĩnh vực trẻ em một cách hiệu quả…

Hội đã từng bước nghiên cứu, xây dựng, mở rộng quan hệ hợp tác với các bộ, ngành, tổ chức và hơn 30 đối tác quốc tế, tham gia một số mạng lưới quốc tế về bảo vệ trẻ em, qua đó tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả góp phần thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam tốt hơn; tăng cường vai trò của Hội trong khu vực.

Trẻ em tham gia Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 6. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Trẻ em tham gia Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 6. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Trong 15 năm qua, Hội và các cơ sở Hội ở địa phương đã huy động nguồn lực hơn 475 tỷ đồng để trợ giúp hàng triệu trẻ em được hưởng quyền, tiếp nhận học bổng và những món quà hiện vật có giá trị, thiết thực với cuộc sống.

Hội cũng thực hiện nhiều hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ em, để trẻ em nói lên tiếng nói của mình về những vấn đề mà các em quan tâm thông qua Diễn đàn trẻ em các cấp, Câu lạc bộ phóng viên nhỏ; đẩy mạnh truyền thông lan tỏa quyền trẻ em qua các mô hình, chương trình: “Phiên tòa giả định;” “Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hàng ngày;” xây dựng nhiều bộ tài liệu, sản phẩm truyền thông, cẩm nang hướng dẫn về quyền trẻ em, các kỹ năng cho trẻ em, người lớn…

Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục cố gắng phấn đấu để đạt được mục tiêu trở thành một tổ chức xã hội chuyên nghiệp về bảo vệ trẻ em.

Phát biểu tại sự kiện, thay mặt Lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chúc mừng, ghi nhận những kết quả Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đạt được trong 15 năm qua; ghi nhận, biết ơn những cống hiến của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, hội viên của Hội; đồng thời đánh giá những thành tựu của Hội đã góp phần thực hiện quyền trẻ em Việt Nam tốt hơn, tạo điều kiện, môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ em Việt Nam phát triển toàn diện.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan, các cơ quan, ban Đảng, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể tạo điều kiện thuận lợi để Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam được thành lập ở hầu hết các tỉnh, thành phố và hoạt động theo đúng hướng dẫn của Bộ Nội vụ; phối hợp cùng Hội thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc trẻ em theo quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn Cục Trẻ em, các đơn vị, cục, vụ có liên quan của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu, lắng nghe các đề xuất, kiến nghị của Hội để kịp thời tham mưu, đề xuất cho Bộ trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về trẻ em và quản lý các tổ chức hội trong lĩnh vực trẻ em; hướng dẫn, tạo điều kiện, giao nhiệm vụ, hỗ trợ Hội thực hiện các quy định của Hội theo pháp luật, góp phần cùng cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện tốt sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em, thực hiện tốt hơn quyền của trẻ em theo các quy định của pháp luật cũng như các khuyến nghị của Liên hợp quốc về quyền trẻ em./.

M.H (TTXVN/Vietnam+)