Ngày càng phong phú, đóng vai trò quan trọng trợ giúp cho những nhóm yếu thế
Cùng với tiến trình đổi mới của đất nước, các hoạt động từ thiện ngày càng phong phú, với đa dạng các hình thức, từ trực tiếp đến online như: Quyên góp từ thiện, quán cơm từ thiện, cửa hàng từ thiện, khám bệnh từ thiện, hoặc qua các game show, đêm nhạc trên truyền hình, các buổi bán đấu giá kỷ vật truyền hình trực tiếp… Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, các ATM gạo, bữa ăn miễn phí, các manh chiếu, tấm chăn, áo mưa, áo rét, tiền, thực phẩm… đã hỗ trợ người khó khăn, yếu thế trong xã hội,… Những hoạt động trên đóng vai trò vô cùng quan trọng, mang lại giá trị vô cùng thiết thực cho cộng đồng trong việc trợ giúp cho những nhóm yếu thế trong xã hội, như: Người nghèo, người tàn tật, người dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người dân vùng thiên tai, bão lũ.
Hiện nay, các hoạt động từ thiện ở Việt Nam chủ yếu do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Quỹ tình thương… thực hiện. Những tổ chức này được nhiều người dân biết đến và chiếm tỷ trọng rất lớn trong các hoạt động từ thiện hiện nay.
Có thể kể đến hiệu quả hoạt động nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là một ví dụ. Với vai trò nòng cốt, cầu nối, đầu mối điều phối trong các hoạt động nhân đạo, trong năm 2022, tổng giá trị hoạt động của toàn Hội đạt trên 4.737 tỷ đồng, trợ giúp 18.791.307 lượt người có hoàn cảnh khó khăn.
Trong đó tổng trị giá công tác xã hội nhân đạo của toàn Hội đạt trên 3.729 tỷ đồng, trợ giúp 9.086.512 lượt đối tượng với các hoạt động trợ giúp như: Phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" Xuân Nhâm Dần 2022 đã vận động và trao hơn 2,555 triệu suất quà tặng người nghèo và nạn nhân chất độc da cam và các hoạt động hỗ trợ khác (tặng sổ tiết kiệm, tặng nhà Chữ thập đỏ, tặng bò, hỗ trợ học bổng…) với tổng trị giá đạt trên 1.156 tỷ đồng; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" năm 2022, đã phân bổ 1,056 tỷ đồng xây dựng 19 căn nhà nhân đạo và hỗ trợ sinh kế cho 19 hộ gia đình được nhận nhà tại các tỉnh.
Trong bão Noru năm 2022, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ tiền, hàng cho người dân xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Hoạt động của toàn Hội tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa trong năm 2022 đạt trên 131 tỷ đồng, trợ giúp 313.822 lượt người với các hoạt động như Chương trình An toàn cho ngư dân nghèo; hỗ trợ khẩn cấp các tỉnh, thành thiệt hại…
Trị giá hoạt động của toàn Hội tham gia chăm sóc sức khỏe nhân dân trong năm 2022 đạt trên 498 tỷ đồng, trợ giúp 9.090.964 lượt người với các hoạt động như công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; công tác sơ cấp cứu và phòng tránh tai nạn thương tích, khám chữa bệnh nhân đạo và nước sạch, vệ sinh; Chương trình "Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật"; công tác vận động Hiến máu tình nguyện, hiến mô, bộ phận cơ thể người…
Ngoài các tổ chức trên, các hoạt động từ thiện ở Việt Nam còn có sự tham gia rộng rãi của các chủ thể khác như: Các doanh nghiệp, ca sĩ, ngôi sao thể thao, diễn viên…, ở nhiều hình thức khác nhau, như: Ủng hộ vật chất, đóng góp xây dựng trường học, cấp học bổng cho trẻ em nghèo…, thông qua tổ chức những đêm nhạc, những hoạt động từ thiện và sự kiện gây quỹ cho trẻ em nghèo, khuyết tật, mồ côi.
Mặc dù chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn, nhưng hoạt động của các tổ chức phi chính phủ và các cá nhân, nhóm cá nhân cũng đang có xu hướng gia tăng và có những đóng góp quan trọng hỗ trợ những người dân, nhóm yếu thế vươn lên, vượt qua hoàn cảnh khó khăn.
Còn những bất cập, biến tướng
Trên thực tế, việc hỗ trợ, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn luôn là việc làm thường xuyên, thể hiện truyền thống tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách" của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, từ diễn biến gần đây, bên cạnh các cá nhân, đơn vị, tổ chức làm thiện nguyện xuất phát từ mục đích trong sáng, nhân văn, đã và đang xuất hiện một số đối tượng lợi dụng từ thiện để trục lợi, làm từ thiện không đúng cách,... nên đã gây ra không ít hệ lụy.
Nếu tìm trên mạng xã hội, internet chúng ta không quá khó để thấy những thông tin phản ánh về thực trạng này như: Núp bóng từ thiện chiếm đoạt tài sản; núp bóng từ thiện lừa dân nghèo, bóc mẽ đường dây lừa đảo núp bóng từ thiện, giả danh từ thiện bán hàng đa cấp. Trong đó, nhiều thông tin phản ánh về hình thức từ thiện như "tặng quà là thực phẩm cho người nghèo", nhưng thực chất là hàng hóa kém chất lượng, quá hạn sử dụng; tặng tiền hoặc sản phẩm nhưng thực chất để mời truyền thông “đánh bóng” thương hiệu, tư lợi cá nhân.
Bên cạnh đó, việc một số người nổi tiếng làm từ thiện theo kiểu tự phát, không có kế hoạch dẫn đến tranh cãi, khiếu nại không đáng có. Hay sự cố một trưởng xóm bị tố không đủ "tiêu chuẩn nghèo" để được nhận tiền cứu trợ cũng đã gây ra phản ứng trái chiều. Hệ lụy lớn nhất từ tình trạng này là người nhận cứu trợ phải gánh chịu những tổn thương rất lớn về tinh thần, tâm lý. Chưa kể đôi lúc, sau khi các đoàn thiện nguyện rút đi thì tại địa phương, tình làng nghĩa xóm có phần phai nhạt, nhiều giá trị cộng đồng cũng phần nào bị ảnh hưởng bởi những so đo, tính toán chuyện ai được nhận cứu trợ, mức cứu trợ nhiều hay ít.
MC Quyền Linh – một nghệ sĩ rất nhiệt tình tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo. Trong ảnh nghệ sĩ tham gia vận chuyển gạo cho người dân trong dịch Covid-19 ở TPHCM
Đặc biệt, mỗi khi có thiên tai bão lụt xảy ra, hiện tượng có địa phương, cá nhân được giúp nhiều, nhưng có địa phương, cá nhân lại không được trợ giúp, gây lãng phí nguồn lực, thậm chí có sự so bì giữa các địa phương. Thậm chí còn có tình trạng “một tiền gà ba tiền thóc” - nghĩa là đi tặng tiền, quà, sản phẩm cho người nghèo số lượng ít hơn nhiều so với chi phí một chuyến đi...
Có thể thấy lâu nay phần lớn việc làm từ thiện của một số tổ chức, cá nhân còn có tính tự phát, mạnh ai nấy làm, nên đôi khi chưa phát huy hết được hiệu quả như mong muốn. Vì thế trong thời gian tới, các hoạt động thiện nguyện cần có sự chấn chỉnh sao cho đúng luật pháp, phù hợp với các quy tắc về văn hóa, đạo đức, có cơ chế giám sát chặt chẽ, tránh việc làm tự phát, cảm tính, tạo nguy cơ gây mất đoàn kết và có thể thành cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng, công kích, xuyên tạc.