Hoàng hậu Bỉ thăm mô hình cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em tại Sa Pa

Đặng Thu Hằng
Bà Mathilde - Hoàng hậu Vương quốc Bỉ, Chủ tịch danh dự Unicef Bỉ cùng đoàn công tác đã tới thăm mô hình cải thiện dinh dưỡng cho trẻ tại Sa Pa.

Tại đây, bà Mathilde đã trực tiếp tham dự một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Cải thiện thực hành chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ dựa vào cộng đồng tại thôn Lao Hàng Chải, xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa.

Các thành viên Câu lạc bộ đã làm mẫu, hướng dẫn nấu bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, gồm: trực tiếp xay và nấu sữa đậu nành, nấu bột ăn dặm sử dụng nguyên liệu sẵn có của địa phương; tư vấn sức khỏe và dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em.

Câu lạc bộ Cải thiện thực hành chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ dựa vào cộng đồng là một mô hình cải thiện dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, được triển khai tại Lào Cai từ năm 2014 dưới sự hỗ trợ của Unicef.

Nhận thấy hiệu quả từ 3 mô hình đầu tiên áp dụng cho 2 huyện nghèo vùng cao là Bắc Hà và Si Ma Cai, sau khi kết thúc hỗ trợ, ngành Y tế Lào Cai đã tham mưu cho chính quyền địa phương sử dụng nguồn ngân sách của tỉnh để duy trì, nhân rộng mô hình.

Đến nay, Lào Cai đã và đang duy trì 52 câu lạc bộ tại 4 địa bàn gồm Si Ma Cai, Bắc Hà, Bát Xát và Sa Pa, được Viện dinh dưỡng (Bộ Y tế) cùng với phía Unicef đánh giá cao.

Chuyến thăm và làm việc lần này của Hoàng hậu - Chủ tịch danh dự Unicef Bỉ cũng thêm một lần ghi nhận hiệu quả của mô hình phòng chống suy dinh dưỡng dựa vào địa phương và cộng đồng của tỉnh Lào Cai.

Trước đó, Hoàng hậu Mathilde cùng đoàn công tác của Văn phòng Hoàng gia Vương quốc Bỉ, Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam, Unicef Bỉ, và Unicef Việt Nam đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lào Cai, tìm hiểu về tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và trao đổi về các vấn đề ưu tiên của trẻ em tỉnh Lào Cai, đặc biệt là các chương trình giáo dục, dinh dưỡng và sức khỏe tâm thần cho trẻ em, thanh thiếu niên.

Hoàng hậu và đoàn công tác cũng đã thăm một số trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn để tìm hiểu thực tế hoạt động giáo dục về đổi mới công nghệ số, giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ; tham dự buổi thảo luận của học sinh về chủ đề sức khỏe tâm thần và các vấn đề mà học sinh quan tâm.../.