Hoàn thiện khung pháp lý về năng lượng tái tạo và kinh tế xanh

Nguyễn Thị Hải Hà
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hungary, Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Hungary đã tổ chức tọa đàm lập pháp lần thứ tư với chủ đề “Hoàn thiện khung pháp lý về giảm phát thải khí nhà kính, năng lượng tái tạo và kinh tế xanh”.

Đây là tọa đàm lập pháp thứ tư được Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Hungary phối hợp tổ chức để cùng nhau bàn về nội dung được cả hai bên hết sức quan tâm. Chia sẻ về chủ đề của tọa đàm lần này, Chủ tịch Quốc hội Hungary cho biết, Hungary coi việc chống lại sự biến đổi khí hậu và tạo cơ chế pháp lý cho vấn đề này là hết sức quan trọng. Tọa đàm là cơ hội để hai bên cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và cách thức lập pháp của nhau nhằm góp phần bảo đảm các công việc lập pháp về lĩnh vực này được thực hiện hiệu quả, đáp lại các thách thức của thời đại tốt hơn.

hue-1656417432.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Toạ đàm lập pháp giữa Quốc hội Việt Nam và Hungary.

Theo Chủ tịch Quốc hội Hungary ông KÖvér László, khắc phục các hậu quả của biến đổi khí hậu là việc không cần phải tranh luận vì đó không phải là việc riêng của đất nước nào mà là của cả thế giới.

Hungary đã luôn quyết tâm bảo vệ môi trường, khí hậu và thể hiện rất rõ ràng trong các định hướng phát triển cũng như các quy định luật pháp của mình. Hungary theo chủ trương độc lập, tự chủ và không trái ngược với các mục tiêu chung nói trên của cộng đồng quốc tế.

Theo Chủ tịch Quốc hội KÖvér László, có hai mục tiêu quan trọng, đến năm 2030 phải giảm từ 50-55% lượng khí thải nhà kính so với năm 1990, sau đó đạt mục tiêu hoàn toàn trung hòa khí thải. Các mục tiêu này quyết định chính sách về năng lượng của Hungary.

Tháng 6/2020, Quốc hội Hungary đã ban hành Luật về Bảo vệ môi trường và chống lại biến đổi khí hậu. Theo đó, cấp quốc gia đặt mục tiêu giảm 40% lượng khí thải và hiệu ứng nhà kính so với năm 1990 và đến năm 2050 cam kết đạt mục tiêu trung hòa về khí hậu. Hungary là một trong những quốc gia đầu tiên đã đưa ra các cơ chế pháp lý để thực hiện, coi đó là mẫu kể cả trong các nước châu Âu.

“Trong Luật Bảo vệ môi trường, chúng tôi đã đặt ra các cơ chế để không đẩy chi phí của việc đạt mục tiêu trung hòa cacbon làm chậm lại tiến trình phát triển của Hungary” - Chủ tịch Quốc hội KÖvér László nhấn mạnh.

Về phần mình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tại Kỳ họp lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP-26) vừa qua, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đây là cam kết chính trị hết sức mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn; đồng thời, thể hiện sự tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để giữ gìn, bảo vệ Trái Đất. Cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của cộng đồng quốc tế, đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới của Việt NamChủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục hành động nhanh chóng, mạnh mẽ và toàn diện, chú trọng chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và phát triển hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu; coi đây là cơ hội để thúc đẩy mô hình phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn, cacbon thấp và bền vững.

Cùng với các nỗ lực tự thân và nguồn lực trong nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ, Việt Nam mong muốn nhận được sự hợp tác chặt chẽ của các đối tác quốc tế, trong đó có Hungary.

Quốc hội Việt Nam mong muốn được chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật, chính sách về giảm phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng tái tạo, thực hiện mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững.

Chia sẻ quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Hungary về việc phải cân bằng được lợi ích và chi phí trong quá trình thực hiện các cam kết quốc tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, việc cân bằng được lợi ích và chi phí trong thực hiện cam kết quốc tế của một quốc gia suy cho cùng cũng xuất phát từ chính nhu cầu và lợi ích chính đáng của người dân.

“Rõ ràng là thiếu công bằng nếu yêu cầu Việt Nam đến năm 2030 phải bỏ hết điện than trong khi nhiều nước phát triển trên thế giới vẫn tiếp tục sử dụng nguồn năng lượng này” - Chủ tịch Quốc hội nói, đồng thời, mong muốn Hungary chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xử lý, thực hiện các giải pháp đồng bộ để vừa đạt được mục tiêu cam kết vừa bảo đảm được sự cân bằng về lợi ích và chi phí cho nền kinh tế, cho người dân.

Quốc hội Việt Nam ủng hộ, đồng hành với Chính phủ, phát huy vai trò lập pháp, giám sát, phân bổ ngân sách để đảm bảo việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, trong đó bao gồm nội luật hóa các cam kết quốc tế, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, sử dụng công nghệ sạch, thúc đẩy các giải pháp phục vụ tăng trưởng xanh, quan tâm đầy đủ đến các nhóm dễ bị tổn thương để không một ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình đổi mới mô hình phát triển.

Qua ý kiến tại tọa đàm, chính phủ 2 nước nhất trí về phát triển bền vững không phải là vấn đề của một quốc gia nào mà đây là vấn đề toàn cầu và các nước phải có hợp tác chặt chẽ với nhau.

Bên cạnh các vấn đề liên quan đến giảm phát thải nhà kính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh sự cần thiết phải tính đến những chính sách về tiết kiệm năng lượng kể cả trong sản xuất, trong tiêu dùng...

Chỉ rõ thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững là vấn đề cần quản lý tổng hợp, đa ngành, liên ngành, Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao sự chủ động dẫn dắt của Quốc hội Hungary trong việc thực hiện các mục tiêu này, nhất là việc Hungary đã thành lập một Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững do đích thân Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch Hội đồng với sự tham gia rất rộng rãi của các bên, kể cả đại biểu Quốc hội và các thành phần xã hội.

Đây là kinh nghiệm rất quý để Việt Nam nghiên cứu, ứng dụng trong hoạt động của mình. Quốc hội Việt Nam cũng phải tiếp tục chủ động và dẫn dắt vấn đề này trong tiến trình phát triển của Việt Nam cũng như trong việc thực hiện các cam kết quốc tế.

PV