Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper nhấn mạnh, hợp tác y tế là nền tảng rất quan trọng trong mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia. Việt Nam là quốc gia đầu tiên và duy nhất ở châu Á nhận tài trợ tập trung của PEPFAR từ khi chương trình này được thành lập. Trong 10 năm tiếp theo, Hoa Kỳ là nhà tài trợ lớn nhất cho Chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam. Với sự hỗ trợ của PEPFAR, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể từ năm 2014 trong việc làm chủ, dẫn dắt nỗ lực phòng, chống HIV.
Từ năm 2021 - 2022, PEPFAR Việt Nam đã cung cấp kỹ thuật quan trọng để hỗ trợ tiếp cận 8.727 bệnh nhân mới điều trị ARV, đồng thời giúp duy trì thuốc kháng ARV cho ít nhất 89.000 người đang điều trị. Cùng với việc điều trị cho người nhiễm HIV, các hoạt động của PEPFAR còn tập trung vào dự phòng kết hợp, hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng toàn diện bao gồm: tư vấn và xét nghiệm HIV, dự phòng trước phơi nhiễm, truyền thông chiến lược.
Có mặt tại sự kiện, Đại sứ lưu động của Hoa Kỳ John N.Nkengasong bày tỏ vui mừng trước những thành tựu của PEPFAR. Đại sứ nhận định, thách thức trong phòng, chống HIV/AIDS còn đang ở phía trước; do đó, hai bên cần hợp tác với nhau chặt chẽ hơn.
Đại sứ John N.Nkengasong bày tỏ tin tưởng, Việt Nam sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu trong việc đạt được các mục tiêu về điều trị HIV/AIDS của Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS). PEPFAR mong muốn được tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong hành trình này.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chúc mừng thành tựu của PEPFAR; đánh giá, công cuộc phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm và thu được nhiều thành tựu quan trọng. Việt Nam đã từng bước kiểm soát được dịch HIV trên cả 3 tiêu chí. Đó là giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan tới AIDS. Việt Nam đã giữ vững tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư luôn ở dưới mức 0,3%. Đây là những con số rất ấn tượng, nói lên sự cam kết chính trị mạnh mẽ cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị Việt Nam. Để đạt được những thành tựu này, không thể không nói đến sự hỗ trợ to lớn về nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế trong nhiều năm vừa qua.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, cùng với Quỹ Toàn cầu, PEPFAR là một trong hai nhà tài trợ lớn nhất trong Chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam. Kể từ năm 2004, khi Việt Nam trở thành nước thứ 15 trên thế giới tiếp nhận hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ thông qua kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS. PEPFAR đang hỗ trợ tại 11 địa phương trọng điểm có số người nhiễm HIV còn sống, chiếm 45,2% trên cả nước. Trong gần 20 năm qua, PEPFAR và Quỹ toàn cầu đã có lúc hỗ trợ tới 90 % thuốc ARV cho người nhiễm HIV, giúp kéo dài và cải thiện chất lượng cuộc sống của hơn 100 nghìn người nhiễm HIV.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan mong PEPFAR và cộng đồng các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Bộ Y tế Việt Nam, có những giải pháp ưu tiên đặc biệt trong cung ứng thuốc, sinh phẩm xét nghiệm HIV trong tình trạng khẩn cấp, mở rộng các mô hình tư vấn và xét nghiệm, mở rộng các tỉnh được thụ hưởng trong chiến lược.
Chính phủ Việt Nam cam kết, cùng với sự hỗ trợ của PEPFAR, sẽ tiếp tục xây dựng các cơ chế tài chính cho việc chuyển giao bền vững các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, sự tham gia của các tổ chức xã hội trong việc đầu tư và cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV nhằm đảm bảo sử dụng có hiệu quả các nguồn lực được huy động.
Thu Phương (TTXVN)