"...Xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về... Im lặng. Con chim hót
Nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí hay nói đến cuộc trở về lịch sử của Người vào mùa xuân năm 1941. Nhưng còn một cuộc trở về nữa của Người, vào những ngày cuối tháng 8 cách đây 78 năm… liên quan tới thời khắc lịch sử đầy thiêng liêng của nước Việt Nam độc lập.
Cuộc trở về bí mật từ Tân Trào
Mùa hè năm 1945, chiến tranh thế giới bước vào giai đoạn kết thúc, trước tình hình thế giới và trong nước diễn biến ngày càng thuận lợi cho cách mạng Việt Nam, tạo thời cơ cho một cuộc khởi nghĩa giành chính quyền Đảng và Bác Hồ đã quyết định di chuyển trung tâm lãnh đạo cách mạng từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang).
Trước đó, khoảng năm 1942, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp “Cần chọn ngay trong vùng Cao - Bắc - Lạng hoặc Tuyên Quang một địa điểm có dân tốt, cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt, có thể thuận tiện làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và ra nước ngoài” và bảo toàn lực lượng của ta. Và xã Tân Trào (tên cũ là Kim Long), là “nơi dễ cơ động, tiến lên, lui xuống, sang trái, sang phải đều có thể đi cả bốn hướng. Đường liên lạc về xuôi cũng thuận lợi”, được lựa chọn. Tháng 5/1945, sau khoảng 10 ngày di chuyển, Bác cùng đội cận vệ và một số đồng chí khác từ Pác Bó về đến Tân Trào.
Những ngày Bác ở Tân Trào, tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có nhiều chuyển biến có lợi cho cách mạng nước ta. Cũng chính trong những ngày hè lịch sử ấy, Đảng và Bác đã tính tới chuyện trở về Hà Nội để lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám cũng như nhiều công việc trọng đại tiếp theo.
Tuy nhiên, thời điểm khoảng tháng 7, có lẽ do những gian khổ trong hành trình từ Pác Bó về đến Tân Trào trước đó, Bác ốm nặng, uống thuốc vẫn sốt cao suốt nhiều ngày, thậm chí có lúc mê sảng. Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhớ lại: “Vừa giảm cơn sốt, Bác Hồ dậy làm việc ngay trong đêm. Cả nước lúc này đang rùng rùng chuẩn bị khởi nghĩa. Bác Hồ nói với anh chị em xung quanh đang săn sóc Bác: “Chiến tranh chống Đức - Ý - Nhật đã thắng lợi. Các nước lớn đang chia phần. Những nước thuộc địa chẳng được gì dù là phần nhỏ bé. Chỉ có chiến đấu, tiếp tục chiến đấu, lấy sức ta mà giải phóng cho ta...”. Mãi sau này, khi Bác uống thuốc của một cụ lang già người Tày, cơn sốt mới lui dần.
Để huy động lực lượng quân dân cả nước tham gia tổng khởi nghĩa, ngày 16/8 và 17/8, Đại hội quốc dân được tổ chức tại Tân Trào. Hội nghị tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh. Bầu uỷ ban giải phóng dân tộc (UBGPDT) tức chính phủ lâm thời do cụ Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Chiều 16/8, một đơn vị giải phóng quân tập hợp dưới cờ làm lễ xuất phát tiến về Nam. Bác Hồ mệt nên không đi dự được. Ngày 17/8/1945, tại đình Tân Trào, thay mặt UBGPDT, Bác đọc lời tuyên thệ trong buổi ra mắt quốc dân.
Cũng thời điểm đó, Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công tại Hà Nội và một số địa phương, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã quyết định về Hà Nội để tiếp tục chỉ đạo công cuộc giành chính quyền đang diễn ra sôi động trên cả nước, gấp rút chuẩn bị công việc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Từ chủ trương ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 21/8/1945, nhiều ủy viên Trung ương Đảng đã về Hà Nội. Sau đó mấy ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) cũng về tới Hà Nội. Thời điểm ấy, theo nhiều tài liệu, tuy đã khỏi sau mấy ngày sốt cao nhưng Người vẫn còn mệt, gầy sút, xanh xao, duy đôi mắt vẫn sáng long lanh. Ngày 22/8/1945, Bác Hồ vẫn sốt lai rai. Bác đắng miệng không muốn ăn uống gì, chóng mặt, đau đầu. Người cố ăn hết bát con cháo. Đến chiều tối, cơn sốt lui dần. Chuyện kể rằng: Người đi bộ đường đèo Khế đến Đại Từ, 21 giờ đi ô tô đến Thái Nguyên. Ngày 23/8, đi ô tô qua Phúc Yên (Tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay). Trên đường về Hà Nội, Bác vẫn mặc bộ quần áo nâu, người rất yếu.
Nơi đầu tiên Bác đặt chân khi về đến Hà Nội là một căn nhà nhỏ ẩn khuất ven bờ sông Hồng, nằm trong thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Theo lời kể của ông Công Ngọc Dũng, hiện là người trông coi, quản lý ngôi nhà đặc biệt này, do vị trí kín đáo, lại nằm trong vùng an toàn khu ngoại thành Hà Nội (Phú Gia và Phú Xá vốn là cơ sở cách mạng vững chắc những năm 1941-1945, nhân dân giác ngộ, một lòng theo cách mạng, từng nuôi và bảo vệ an toàn cho các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng cùng nhiều cán bộ cao cấp của Đảng) nên ngôi nhà được đồng chí Hoàng Tùng - cán bộ cách mạng hoạt động ở xã Phú Thượng lúc bấy giờ lựa chọn làm địa điểm dừng chân của Bác Hồ khi Người từ chiến khu Việt Bắc trở về.
Những đêm trắng trong lòng Hà Nội
Công cuộc chuẩn bị cho Lễ Độc lập năm ấy, với Đảng và Bác Hồ, thực sự là vô cùng gấp rút. Theo nhiều tài liệu ghi lại, ngay trong ba ngày nghỉ lại tại Phú Thượng (từ 23/8 - 25/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có ngay cuộc làm việc trực tiếp với các đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng, cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng… về kết quả Tổng khởi nghĩa trong cả nước và chuẩn bị cho ngày Quốc khánh 2/9/1945.
Ngày 25/8/1945, đúng 15h đồng chí Trường Chinh lên Phú Gia đón Bác vào nội thành. Trên đường về, xe đi trên đường Yên Phụ, Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Mã rồi đến ngôi nhà số 48 Hàng Ngang. Chính tại ngôi nhà này, những ngày cuối tháng 8/1945, Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục có nhiều cuộc họp bàn về việc chuẩn bị cho Lễ độc lập ngày 2/9/1945.
Chiều 26/8/1945, sau khi nghe báo cáo tình hình khởi nghĩa ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập và chủ tọa phiên họp của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, để bàn những nhiệm vụ cấp bách của nhà nước cách mạng. Tại cuộc họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất trí với chủ trương của Ban Thường vụ mở rộng thành phần UBGPDT và sớm công bố danh sách của Ủy ban cho toàn dân biết, chuẩn bị bản Tuyên ngôn Độc lập và tổ chức cuộc mít-tinh lớn ở Hà Nội để UBGPDT ra mắt nhân dân. Ngày ra mắt của Ủy ban cũng là ngày Việt Nam tuyên bố thành lập chính thể dân chủ cộng hòa.
Ngày 27/8, Bác Hồ triệu tập cuộc họp UBGPDT. Tại cuộc họp này, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, UBGPDT Việt Nam do Quốc dân Đại hội (Tân Trào) bầu ra được cải tổ thành Chính phủ cách mạng lâm thời, nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các đảng yêu nước và những nhân sĩ tiến bộ, với tuyên cáo: Đây “là một chính phủ quốc gia thống nhất giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn thể, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ Dân chủ Cộng hoà chính thức”.
Cũng trong bộn bề công việc của những ngày cuối tháng 8/1945, Bác còn công việc vô cùng quan trọng là soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập. Theo nhiều tài liệu, sau rất nhiều ấp ủ, trao đổi, nghĩ suy, đêm 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập tại số nhà 48 Hàng Ngang.
Đại tá Thế Kỷ - người giúp việc cho ông Vũ Kỳ - thư ký cho Bác Hồ dẫn lại những hồi ức của ông Vũ Kỳ về những ngày đêm lịch sử ấy: “Kể từ ngày thứ ba, 28/8/1945, tức 21/7 năm Ất Dậu, Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung vào việc soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập. Trên gác hai nhà 48 Hàng Ngang… Suốt mấy ngày liền, Bác tập trung suy nghĩ rồi tự đánh máy bên chiếc bàn con kê sát tường góc phía trong… Nửa đêm hôm ấy tôi chợt thức giấc thấy Bác vẫn ngồi chăm chú làm việc… lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - người từng bị bọn thực dân kết án tử hình - đang ngồi giữa lòng Hà Nội soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập để mai đây, tuyên bố trước quốc dân đồng bào, tuyên bố trước toàn thế giới nước Việt Nam đã trở thành một nước Việt Nam độc lập, tự do”.
Ngày 30/8/1945, Bác hoàn thành bản dự thảo Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 31/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định bổ sung một số điểm vào bản Tuyên ngôn, hoàn chỉnh bản khai sinh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngay sau đó, Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh dự thảo được Ban Thường vụ Trung ương Đảng nhất trí thông qua.
Và ngày 2/9/1945, sau những dày công chuẩn bị, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, tuyên bố với toàn thể nhân dân, với thế giới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do ra đời. Thời khắc ấy đã là thời khắc lịch sử thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.