Theo đó, chính quyền địa phương đã cho đào một mộ chôn tập thể trên đồi Poboya ở ngoại ô thành phố Palu. Khu mộ rộng 10 m và dài gần 100 m, có khả năng chứa gần 1.300 thi thể. Chính quyền địa phương phải gấp rút cho chôn cất thi thể các nạn nhân để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
Nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, cũng như ngăn chặn tình trạng dịch bệnh lây lan, công tác tiến hành chôn cất thi thể ở Palu được tiến hành sớm.
Tất cả người thân, thân nhân người bị nạn được đến các bãi thi thể ở các bệnh viện địa phương để làm thủ tục nhận diện thi thể, nhận thông tin nơi chôn lấp, trước khi các thi thể được tiến hành chôn cất.
Chỉ huy quân đội địa phương, ông Tiopan Aritonang cho biết, 545 thi thể từ một bệnh viện địa phương sẽ tiến hành chôn cất sớm đợt đầu tiên.
Ông Willem Rampangilei, giám đốc Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia cho biết, khu mộ tập thể được đào tại Palu sẽ có kích thước 10x100 m và có thể mở rộng kích thước nếu cần thiết.
"Điều này phải được thực hiện càng sớm càng tốt, vì lý do an toàn sức khỏe cộng đồng và tôn giáo", ông nói.
Theo hãng tin AP, bên cạnh vấn đề vệ sinh dịch tễ, việc chôn cất nhanh chóng một phần vì các lý do tôn giáo. Indonesia là quốc gia với người Hồi giáo chiếm đa số. Theo đúng truyền thống, gia đình sẽ tiến hành chôn cất khoảng 1 ngày sau khi người thân họ qua đời.
Ngoài ra, có một khu vực tiếp giáp với nghĩa trang công cộng Palu trên một ngọn đồi có thể chứa tới 1.000 thi thể cho đợt chôn cất kế tiếp.
Ngày 1/10, Cơ quan Quản lý thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) cho biết, cần huy động thêm các thiết bị hạng nặng, cũng như lực lượng cứu hộ để tìm kiếm thi thể các nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất, sóng thần tại tỉnh Trung Sulawesi.
Theo ước tính của LHQ thì khoảng 191.000 người cần được cứu trợ nhân đạo khẩn cấp. Văn phòng Điều phối Các vấn đề nhân đạo LHQ cảnh báo có khoảng 46.000 trẻ em và 14.000 người già Indonesia đặc biệt cần trợ giúp. Rất nhiều trong số này ở các khu vực không được chính phủ tập trung cứu hộ, cứu trợ.
Tình trạng thiếu thực phẩm, nước sạch ở Palu đang rất nghiêm trọng. Cướp bóc diễn ra khắp nơi, người dân kéo nhau rời đến sân bay chờ rời khỏi Palu.
Đáp lại động thái mở cửa nhận trợ giúp của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, hàng chục tổ chức cứu trợ quốc tế và tổ chức phi chính phủ đang xếp hàng chờ hỗ trợ, theo AFP.
Indonesia cũng đã tuyên bố 14 ngày khẩn cấp tạo điều kiện khắc phục thảm họa.