Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng thứ 28 của ĐH Harvard (Mỹ) đã chia sẻ như thế trong bài thuyết trình trước sinh viên và giảng viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM trong buổi sáng nay (23/3). Chủ đề của bài thuyết trình là Nội chiến Hoa Kỳ với nội dung “Cuộc chiến đã qua đi: Hồi ức và bài học lịch sử”.
Mở đầu buổi nói chuyện, bà Faust cho biết trước khi trở thành Hiệu trưởng ĐH Harvard, bà là một học giả và giảng viên lịch sử trong suốt hơn 30 năm.Vì vậy, bà rất vui mừng khi có mặt tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, một trung tâm nghiên cứu lịch sử hàng đầu của Việt Nam.
“Việc có mặt ở Việt Nam đối với tôi mang rất nhiều ý nghĩa, bởi vì nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng của hai quốc gia đã quyện chặt vào nhau và ảnh hưởng tới tất cả chúng ta. Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước theo cách nói của các bạn và “Chiến tranh Việt Nam” theo cách gọi của chúng tôi đã mãi mãi định hình thế hệ chúng tôi, những người trưởng thành trong thập niên 1960-1970”, nữ giáo sư nói.
Theo GS Drew Gilpin Faust, Việt Nam có một khẩu hiệu nhắn gửi khách du lịch rằng “Việt Nam là một đất nước chứ không phải một cuộc chiến tranh”.
“Giống như rất nhiều người Mỹ khác từng đến đây, tôi vẫn hằng mong đến một ngày nào đó, Việt Nam trong tâm trí tôi không phải tên gọi của một cuộc xung đột bất ngờ ập đến với thế hệ chúng tôi, mà là một quốc gia và xã hội với tất cả sự phức hợp, vẻ đẹp, lịch sử, sự sống động và triển vọng của nó”, bà Faust nói.
Cũng chính từ nội dung bài thuyết trình của mình, bà Drew Gilpin Faust đã khéo léo truyền tải trong đó thông điệp từ lịch sử giúp cho sự đấu tranh cho hòa bình, đoàn kết giữa hai dân tộc.
GS Faust cho rằng hậu quả chiến tranh là tàn phá - con người bị thương và biến dạng; trẻ em trở thành mồ côi; tài sản và nguồn sinh kế bị phá hủy; kinh tế đảo lộn; dân chúng chia rẽ. Nhưng hậu quả không chỉ dừng lại ở cơ thể, mà còn nằm trong tâm hồn, thậm chí trong tâm hồn của những người sinh ra rất lâu sau khi tiếng súng đã tắt.
Bà Faust chia sẻ thêm: “Đó là vì sao cuộc nội chiến Mỹ và cái giá to lớn của nó tiếp tục ảnh hưởng đến các tranh luận của chúng tôi ngày nay. Đó là vì sao các thành viên Harvard niên khóa 1967, các ông bà nay đã ở độ tuổi 70, cảm thấy sự cấp thiết phải đối diện với những kinh nghiệm từ hơn năm thập kỷ trước, những ký ức của một thời khi “Việt Nam” đòi hỏi họ phải định nghĩa chính họ và quốc gia của họ. Đó là vì sao tôi hết sức vui mừng cuối cùng cũng đã được đặt chân đến đất nước các bạn, bởi tôi cũng cùng thế hệ với họ”.
Hiệu trưởng ĐH Harvard cho rằng Việt Nam và Hoa Kỳ đã đối đầu nhau trong một cuộc chiến kéo dài và tàn phá nặng nề. Giờ đây, riêng cũng như chung, chúng ta đang đối diện với hậu quả của nó. “Trong nỗ lực này, lịch sử là điều không thể thiếu. Lịch sử giúp chúng ta đối diện với những vong hồn và ma quỷ mà bi kịch quá khứ để lại như một di sản cho hiện tại. Nó soi rọi những sự mù quáng và tàn bạo đã làm nên chiến tranh. Nó giúp chúng ta hình dung và đấu tranh cho hòa bình”, bà Drew Gilpin Faust nói.