Hiện tượng bỏ trường về nhà tự học: Có mạo hiểm với tương lai của con?

Tạp Chí Nhân Đạo
Câu chuyện về một gia đình ở TP.HCM, vì quá áp lực với chuyện học hành, thi cử ở trường của con đã quyết định cho con tự học ở nhà đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Đây không phải là trường hợp duy nhất ở Việt Nam cho con tự học ở nhà nhưng sự việc này được công bố đúng thời điểm học sinh cả nước vừa trải qua kỳ thi học kỳ II, với không ít mệt mỏi do áp lực thi cử, đã dấy lên nhiều luồng ý kiến. Trong khi không ít phụ huynh ủng hộ cách làm này, thì các chuyên gia lại cảnh báo, cho rằng đó là cách “mạo hiểm với tương lai của con”.

hien-tuong-bo-truong-ve-nha-tu-hoc-co-mao-hiem-voi-tuong-lai-cua-con
Ông Đặng Quốc Anh hướng dẫn hai con là Đặng Nhật Anh (bìa phải) và Đặng Thái Anh học tại nhà.

Giáo dục tại nhà- linh hoạt, tránh áp lực cho con

Bức xúc với cách dạy của giáo viên ở trường và nhiều lúc thấy bế tắc với chuyện học của hai con chính là lí do khiến vợ chồng ông Quốc Anh quyết định cho 2 con của mình nghỉ học và tự học ở nhà.  Là giảng viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, gia đình có nhiều người làm nghề dạy học, bắt đầu từ năm 2014, ông Quốc Anh đã quyết định nghỉ làm, cho các con nghỉ học ở nhà để mình tự dạy. Ông quan niệm: Mình dạy con thì sẽ chắc ăn hơn và sẽ đỡ phải lo lắng về chuyện học của con. Gia đình ông tự chọn chương trình cho con học, tích cực đưa con đi chơi, cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa để rèn kỹ năng giao tiếp.

Sau gần 3 năm tự học ở nhà, với sự hướng dẫn của bố mẹ, được tự do học những gì mà mình thích, hai anh em Đặng Thái Anh (SN 2003) và Đặng Nhật Anh (SN 1998) đã đạt được những kết quả bất ngờ. Tháng 9/2016, Thái Anh thi IELTS đạt 8.5 khi chưa tròn 13 tuổi. Riêng Nhật Anh thi IELTS vào tháng 7/2015 đạt 8.0. Vợ chồng ông đang tìm kiếm và hướng con trai lớn “săn” học bổng của một trường quốc tế để đi du học, còn con trai nhỏ sẽ nhập học lớp 9 tại một trường quốc tế trên địa bàn TP.HCM.

Ở Hà Nội, cũng có phụ huynh đang cho con học theo mô hình tự học ở nhà (homeschool) – đã rất phổ biến ở nhiều nước phương Tây. Gia đình chị Phan Ngọc Diệp, anh Đào Huy Quang (Hà Nội) đang thực hiện hình thức dạy học tại nhà với 3 con là Đào Minh Quang (11 tuổi), Đào Diệp My (9 tuổi) và Đào Duy Quang (6 tuổi). Hai con đầu của anh chị đang học chương trình lớp 4, con út học chương trình lớp 1. Tất cả đều không đến trường.

Vợ chồng chị Diệp, anh Quang từng sống tại nước ngoài. Khả năng tiếng Anh tốt, chị Diệp có thời gian làm cho một tổ chức phi chính phủ. Anh Quang hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, hay dự thi nhiều nơi nên hiểu cảnh chạy đua thành tích ở mỗi cấp học.

Cộng thêm tính chất công việc luôn thay đổi, tôn trọng cá tính các con, anh chị quyết định dạy ba đứa ở nhà để có môi trường giáo dục thoải mái nhất.

Sau hai năm tự chuẩn bị tài liệu, từ năm học này, chị Diệp dùng chương trình home school của Mỹ bằng hình thức học qua video, sau đó tự làm bài tập. Các bài giảng có độ dài từ 15-30 phút, thời gian học mỗi môn 30-45 phút.

Quan điểm của anh Quang và chị Diệp là hướng con trở thành người có ích cho xã hội, thậm chí có thể không vào đại học. Tuy nhiên, nếu con cố gắng, cha mẹ sẽ tạo điều kiện cho các cháu du học, khi đó sẽ hoàn thành bài thi chuẩn hóa quốc tế.

Mạo hiểm cho tương lai con trẻ!?

Khi đề cập đến việc những ngày qua, không ít phụ huynh ủng hộ cách cho con ở nhà tự học, nhiều chuyên gia lại cho rằng như vậy là quá mạo hiểm với tương lai của con và không phải phụ huynh nào cũng đủ tiềm lực về kinh tế, thời gian và cả tri thức để dạy con ở tất cả các lĩnh vực như thế.

Ông Hoàng Trọng An, một phụ huynh cũng là nhà hoạt động xã hội với Trung tâm giúp ích  cộng đồng, cho biết: Nếu gia đình tôi có đủ trình độ và tiềm lực kinh tế thì tôi chấp nhận để con tôi được học ở nhà. Đó là điều mà  rất  nhiều phụ huynh ở đây mong muốn nhưng thực sự gia đình còn nhiều khó khăn lo cơm áo gạo tiền, thời gian cho con không có nên đành cứ nghĩ là gửi con đến trường cho con đi học là hết nhiệm vụ. Việc gia đình ông Đặng Quốc Anh cho 2 con ở nhà để cha và mẹ dạy học theo mô phạm của mình thì thật sự không nhiều. Mà cũng rất may mắn là 2 cháu hiểu được ý của cha mẹ, biết rằng con đường cha mẹ đặt ra cho mình là con đường đúng đắn.

Dưới con mắt phụ huynh Phạm Thanh Hoài Bảo (TP.HCM) thì việc giữ con ở nhà cho con tự học không hẳn là tốt vì trẻ cần đến trường để giao tiếp, chơi đùa và ganh đua học tập cùng bạn bè. Nếu cho con học ở nhà thì các con không có sự cạnh tranh. Nếu chỉ thuần túy học ở nhà thì con trẻ sẽ có vốn hiểu biết rất ít ngoài xã hội. Trong trường học thì phải va chạm và phải phấn đầu để vươn lên. Các báo nói về  trường hợp của 2 em này là học giỏi nhưng mà giỏi về Ngoại ngữ thôi. Ngoài môn đó ra, các em còn phải giỏi tự nhiên và các môn học khác nữa. Nếu chỉ học ở nhà không thôi thì từ từ 2 em sẽ giống như tự kỷ. Sẽ là môi trường giáo dục tốt hơn nếu các em vừa được sự tận tâm dạy bảo của bố mẹ ở nhà vừa được đến trường và hòa nhập với các bạn cùng trang lứa.

Ủng hộ mô hình giáo dục tại nhà, Ths. Nguyễn Thị Thu Huyền (ĐH Sư phạm TP.HCM) mong muốn Bộ GD-ĐT công nhận Homeschool và thành lập bộ phận này ở các Phòng, Sở, Bộ. Tuy nhiên theo bà Huyền, Homeschool có thể mang lại hiệu quả tốt hơn cho một số trẻ. Ví dụ như có trẻ bị áp lực từ trường học, không thích ứng được, được ở nhà học thì sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, đây là một quyết định phải suy xét kỹ về rất nhiều yếu tố như trình độ, khả năng tài chính của phụ huynh cũng như kéo theo không ít vấn đề phát sinh.

Mô hình giáo dục này đòi hỏi nguồn lực tài chính nhất định từ cha mẹ để mua chương trình, khóa học online, tài liệu, đưa con tham gia các hoạt động bổ trợ, thuê gia sư... Các khóa học online cho học sinh phổ thông bằng tiếng Việt là ít. Vì thế, phải học bằng ngoại ngữ, ở đây tiếng Anh là chủ yếu. Cha mẹ và con đều phải giỏi ngoại ngữ mới học được.

Trong điều kiện Việt Nam, khi Homeschool chưa được phê duyệt, cha mẹ nên cân nhắc đến việc nếu lựa chọn hình thức này hãy xác định là khi hết khả năng thì phải đưa ra con ra nước ngoài học tiếp, không được bỏ cuộc giữa chừng.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng), phương pháp tự học ở nhà có nhiều rủi ro, có thể hạn chế giao tiếp của con, nhất là ở Việt Nam chưa có quy chế, hay quy định hướng dẫn cụ thể nào về việc này. “Tuyệt đối không thể đóng cửa để nhào nặn một đứa trẻ nên người” – Tiến sĩ Lâm cảnh báo.

Nhà báo Thu Hà - tác giả cuốn sách "Con nghĩ đi, mẹ không biết!" – cũng bày tỏ quan điểm không ủng hộ việc phụ huynh cho con không đến lớp để tự học ở nhà. “Tới trường không chỉ học kiến thức, mà trường học còn cho mình những người bạn. Trong việc dạy con không có con đường tắt” – chị Thu Hà chia sẻ.

Sự thành công của gia đình ông Quốc Anh khi lựa chọn phương pháp cho con tự học ở nhà  chỉ là “cá biệt” vì họ có nền tảng kiến thức tốt và có điều kiện về kinh tế. Còn phần đông gia đình Việt Nam hiện nay, trường học vẫn là môi trường không thể thiếu để rèn luyện tri thức và nhân cách cho trẻ. “Nổi cáu” với giáo dục công, đưa con về nhà dạy mà thiếu suy tính cũng là một bài toán hết sức mạo hiểm, cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng cho các gia đình Việt muốn áp dụng mô hình học tập này cho con trẻ.