Hiểm họa giấu mặt

Tạp Chí Nhân Đạo
Có những người chỉ cần một lần tiếp xúc với thành phần không hợp từ thiên nhiên cũng bị dị ứng, nhất là những người có làn da nhạy cảm, hay bị bệnh dị ứng như chàm, mề đay...

Thời gian gần đây, mỹ phẩm handmade đã “hoành hành” trên thị trường, đặc biệt trên các diễn đàn, trang mạng xã hội. Được quảng cáo là nguồn gốc hoàn toàn thiên nhiên, an toàn sử dụng, giảm được nhiều tác dụng phụ so với các sản phẩm làm đẹp từ hóa chất, mà giá lại rẻ khiến nhiều chị em tin dùng. Tuy nhiên, nhiều chị em đã phải trả giá đắt cho sự tin tưởng của mình.

Tiền mất tật mang

Mỹ phẩm handmade rất đa dạng chủng loại, từ những thứ đơn giản như dầu dừa đến son môi, kem dưỡng da và cả những thứ phức tạp hơn như kem trắng da, phấn trang điểm... Những người làm mỹ phẩm tự chế hầu hết không có kiến thức gì về hóa học, về mỹ phẩm mà chỉ trộn các thành phần thiên nhiên có tác dụng dưỡng da vào với nhau theo tỷ lệ, với công thức đơn giản và lợi nhuận khá lớn.

san pham tu che
Thực tế không ít các trường hợp phải ngậm đắng nuốt cay khi trao gửi lòng tin vào mỹ phẩm tự chế.

Ban đầu người làm mỹ phẩm tự chế chủ yếu để dùng cho bản thân hoặc bán cho những người thân quen, nhưng thời gian gần đây, loại mỹ phẩm này được rao bán rộng rãi trên mạng. Trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội như facebook, nhan nhản sản phẩm làm đẹp từ son môi, kem dưỡng đến dầu dừa, phấn ong, mỹ phẩm làm trắng cấp tốc,… được quảng cáo là sản phẩm tự chế, không phải thuê cửa hàng nên có giá rẻ. Dầu dừa được chào giá 80.000 - 100.000đ/chai 100ml, 1 thỏi son đủ màu được bán giá 70.000-150.000đ, 1 hũ kem trắng da toàn thân có giá 400.000 - 600.000đ.

Thực tế không ít các trường hợp phải ngậm đắng nuốt cay khi trao gửi lòng tin vào mỹ phẩm tự chế.

Chị Nguyệt (TP.HCM) qua mạng xã hội facebook đã mua 2 hộp cao vỏ bưởi từ trang “Làm đẹp Handmade”. Theo như quảng cáo thì đây là loại cao trị nám, tàn nhang, trắng da và giảm nếp nhăn. Ban đầu, da chị được cải thiện rõ ràng, tàn nhang và các nếp nhăn mờ hẳn. Vui mừng vì có hiệu quả tốt, chị mua thêm vài hộp cao nữa và giới thiệu với bạn bè. Tuy nhiên, khoảng 2 tháng sau da chị Nguyệt bắt đầu ửng đỏ, sưng và chảy máu. Chị vội đi khám và bác sỹ tại bệnh viện Da liễu TP.HCM  chẩn đoán da bị nhiễm độc chất Phenol có trong hộp cao vỏ bưởi tự chế. Phenol là một chất tẩy da rất mạnh, chất này thâm nhập sâu vào tận lớp võng của da, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành collagen dưới da, giúp làm đầy vết nhăn, căng da. Tuy nhiên, đây là loại acid phá hoại da rất độc hại, sử dụng Phenol sau một thời gian sẽ khiến da bị bào mòn, cháy da, lở loét, chảy máu và thậm chí dẫn đến ung thư da.

Trường hợp của chị Thuý Lan (ở Gò Vấp) bị mụn rộp nổi khắp mặt, do bị dị ứng với hóa chất đi chữa trị mãi mà vẫn không khỏi. Nguyên nhân là trước đó, chị Lan có mua xịt khoáng tinh dầu do một shop mỹ phẩm bán qua mạng. Shop quảng cáo dòng xịt khoáng này được làm từ nước suối khoáng tinh khiết, kết hợp tinh dầu vỏ bưởi có tác dụng sát khuẩn da nên chị mua về sử dụng, được 2 tuần thì da bắt đầu ngứa và nổi mẩn, ngày càng nhiều.

Mới đây, một người dùng facebook có tên V.T đăng tải một bức ảnh cây son handmade chị mua được hai tháng thì bị nổi lấm tấm hạt như mốc, gây hoang mang dư luận. Chị cho biết, cây son chị mua từ một trang bán mỹ phẩm online nhưng chị quên dùng. Sau hai tháng mang ra sử dụng, chị “tá hỏa” vì cây son còn mới, chưa sử dụng lại bị biến chất, nổi mốc.

Cảnh báo  của các chuyên gia

BS Trần Thế Viện - Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết: Rất nhiều bệnh nhân đến khám do viêm da tiếp xúc với mỹ phẩm được cho là thiên nhiên. Nhiều người lầm tưởng, sản phẩm handmade luôn được chiết xuất từ thiên nhiên, không gây dị ứng, nhưng thật ra có những người chỉ cần một lần tiếp xúc với thành phần không hợp từ thiên nhiên cũng bị dị ứng, nhất là những người có làn da nhạy cảm, hay bị bệnh dị ứng như chàm, mề đay... Triệu chứng lâm sàng có thể từ mức độ nhẹ đến nặng, tùy vào chất gây dị ứng, loại da, vùng da, cơ địa mỗi người, thời gian sử dụng…

TS.Vũ Mạnh Hùng, PGĐ Bệnh viện Da liễu Hà Nội, chia sẻ: “Mỹ phẩm tự chế hoàn toàn không có tác dụng dưỡng da, hơn nữa nếu được làm không đúng quy cách còn gây ra nhiều hiểm họa cho da, đặc biệt là các thành phần trong sản phẩm đôi khi còn tương tác, phản ứng với nhau. Với một số trường hợp có thể gây viêm da, kích thích vi khuẩn đang tồn tại trên bề mặt da, gây hậu quả nghiêm trọng tới da. Trên thực tế, nhiều chị em phải vào bệnh viện Da liễu khám và điều trị do viêm da dị ứng, da bị hủy hoại vì sử dụng mỹ phẩm tự chế. Khá đông trường hợp da đã tổn thương nặng và khó phục hồi. Và điều đáng nói là đại đa số người sử dụng lại quá tin tưởng vào sản phẩm nên dùng bừa bãi.”

TS Vũ Mạnh Hùng cảnh báo: “Kem dưỡng da tự pha chế có thể khiến thấy da mịn, trắng hơn trong thời gian đầu, nhưng khi dùng kéo dài trên một tháng, da sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng: Teo da, rối loạn sắc tố da, dị ứng da. Việc dùng kem tự chế cũng rất dễ gây bội nhiễm vùng da bôi, mọc rậm lông, dùng kéo dài trên diện rộng có thể gây ức chế tuyến thượng thận, tăng huyết áp… Nhiều thành phần kem trộn còn chứa chất tẩy da, làm bong da nên người dùng cảm nhận thấy da trắng hồng hào, nhưng da sẽ dễ bị sạm đen, bắt nắng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời”.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Châu (chuyên gia ngành hóa mỹ phẩm, chuyên gia nghiên cứu và phát minh mỹ phẩm tại Nhật Bản và Mỹ), một hiện trạng đáng buồn là rất nhiều người làm mỹ phẩm handmade hiện nay chỉ nghĩ đơn giản trộn các chất lại ra được thứ có hình dạng bên ngoài như mỹ phẩm thì đó đã là mỹ phẩm. Trong thực tế để hoàn thành một sản phẩm mỹ phẩm cho dù là handmade, tối thiểu cũng cần phải tiến hành các kiểm tra mức độ an toàn của sản phẩm, kiểm tra vi sinh. Thêm vào đó, vấn đề đảm bảo vệ sinh khi sản xuất là yếu tố bắt buộc, tốt nhất là sản phẩm được tiến hành trong môi trường sạch sẽ như phòng thí nghiệm hoặc đảm bảo các điều kiện tương đương. Thậm chí phải cân nhắc cả phản ứng có thể xảy ra giữa ruột sản phẩm và loại chai lọ để chọn loại vỏ chai thích hợp. Chính vì thiếu hụt những điều cần thiết này nên rất nhiều trường hợp sản phẩm handmade làm ra qua một thời gian bị tách lớp, biến chất, sinh nấm mốc độc hại... có thể gây viêm da hoặc ảnh hưởng xấu hơn đến sức khỏe da.

Khó kiểm soát

“Theo Thông tư số 06 của Bộ Y tế về việc quản lý đăng ký kinh doanh hàng mỹ phẩm: Các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hậu mại khi sản phẩm lưu thông trên thị trường”.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) phối hợp với các cơ quan chức năng đã kiểm tra và  xử lý các trường hợp sản xuất mỹ phẩm tự phát, tình hình sản xuất, buôn bán  mỹ phẩm tự chế có phần tạm lắng xuống. Nhưng hiện nay, tình hình này lại tiếp tục bùng phát mạnh mẽ và đến nay chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện đa số mỹ phẩm handmade tự chế đều không qua kiểm định của Bộ Y tế và được bán tràn lan trên các trang mạng xã hội với hình thức nhỏ, lẻ nên việc quản lý rất khó khăn. Mạnh ai nấy làm, từ đó các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn ra đời là mối hiểm họa tiềm ẩn cho sức khỏe của người sử dụng.

Để có thể bảo vệ nhan sắc và sức khỏe, người tiêu dùng cần phải sáng suốt lựa chọn những dòng mỹ phẩm handmade đã có thương hiệu và uy tín trên thị trường để sử dụng. Đặc biệt, là những sản phẩm đã được cơ quan chuyên môn kiểm nghiệm về chất lượng và an toàn để không bị “tiền mất tật mang”.