Tại phòng khám, những câu chuyện buồn vui vẫn diễn ra hằng ngày đối với những cán bộ y tế làm việc ở nơi đây. Những ca bệnh "bất khả kháng" luôn là nỗi ám ảnh và tiếc nuối đối với điều dưỡng viên Mai Thị Bích Hồng. Chị trăn trở: "Có phụ nữ mang thai nhiễm HIV đến khám thì đã ở những tuần cuối của thai kỳ do không được phát nhiện sớm. Có ca mang thai 34 tuần tuổi mới phát hiện nhiễm HIV. Mặc dù các bác sĩ đã cho điều trị ngay nhưng lúc sinh con ra, đứa trẻ vẫn bị nhiễm HIV. Đây là trường hợp rất đáng tiếc".
Điều dưỡng Bích Hồng cho biết, phòng khám tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đang quản lý, theo dõi 381 phụ nữ, trong đó có những người đang mang thai. Đa số nếu được phát hiện sớm, theo dõi điều trị cho cả mẹ và con một cách chặt chẽ thì các bé sinh ra vẫn khỏe mạnh và không bị lây nhiễm HIV. Còn nhiều trăn trở với những sản phụ "đến muộn", chị Bích Hồng cho biết, phụ nữ mang thai nhiễm HIV nếu được phát hiện sớm, tuân thủ điều trị thuốc kháng virus ARV, đảm bảo tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện và áp dụng các biện pháp can thiệp hiệu quả trong suốt quá trình mang thai, trong quá trình sinh con và khi cho con bú thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con rất thấp.
Mặc dù công việc có tính rủi ro cao nhưng chị Bích Hồng chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ nghề, bởi với chị, những đứa trẻ được sinh ra an toàn từ người mẹ có “H” mới là điều ý nghĩa nhất
Những người nhiễm HIV, đặc biệt là phụ nữ mang thai nhiễm HIV, hơn lúc nào hết, họ cần người thân bên cạnh để vững vàng vượt cạn, ổn định tâm lý. Nhưng điều đáng buồn là nhiều trường hợp sản phụ nhiễm HIV bị chính người nhà của họ xa lánh, phó mặc cho cán bộ y tế. Cảm thương cho số phận của họ, chị Hồng luôn tự nhủ mình phải cố gắng hơn để không chỉ mang lại sự an toàn cho trẻ - hạnh phúc cho mẹ, mà còn là người bạn chia sẻ, giúp sản phụ vững tâm lý để vượt cạn.
Với những phụ nữ mới được phát hiện nhiễm HIV khi mang thai, việc nhận kết quả HIV dương tính sẽ gây ảnh hưởng nặng nề về tâm lý. Sau một thời gian, khi đã vượt qua những khủng hoảng ban đầu, họ bắt đầu chấp nhận tình trạng nhiễm HIV. Việc được hỗ trợ về tâm lý và xã hội sẽ giúp phụ nữ nhiễm HIV có thái độ tích cực vào cuộc sống. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV không có nghĩa là sinh con cũng sẽ nhiễm HIV. Nếu chủ động đến các cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm phát hiện HIV sớm và được cán bộ y tế hướng dẫn các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì họ vẫn có thể hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc làm mẹ.
Theo báo Phụ nữ Việt Nam