Tình yêu đích thực sẽ giúp con người vượt qua những giới hạn của bản thân, những định kiến xã hội và cả những lo lắng khi người bạn đời có 1 cơ thể không vẹn tròn. Câu chuyện tình đẹp giữa chàng tình nguyện viên Nguyễn Trung Mạnh và cô gái khuyết tật Đỗ Thị Thu Hương sẽ tiếp thêm lửa cho những người đồng cảnh ngộ để họ có nghị lực và niềm tin vào cuộc sống, với 1 thông điệp chan chứa yêu thương, giàu tính nhân văn: Hạnh phúc không bao giờ khiếm khuyết.
Trong căn nhà gần 10m2 tại một khu phố nhỏ ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, hàng ngày người dân nơi đây đã quá quen thuộc hình ảnh 1 chàng thanh niên trẻ với gương mặt điển trai không ngần ngại bất cứ việc gì từ đi chợ, nấu cơm tới việc chăm sóc, phục vụ người vợ bị khuyết tật cùng đứa con trai 2 tuổi. Người đàn ông đó là Nguyễn Trung Mạnh (SN 1983, quê ở Vũ Thư, Thái Bình). Anh đã dũng cảm vượt qua mọi rào cản, mọi khó khăn chất chồng trong cuộc sống, tình yêu để viết lên câu chuyện tình đẹp với chị Đỗ Thị Thu Hương (SN 1985 ở Hà Nội).
Không đầu hàng số phận
Năm lên 8 tuổi, chị Thu Hương bị một trận ốm dai dẳng khiến chân tay sưng phồng, co quắp lại. Suốt mấy tháng ròng, chị bị sốt cao, chân tay tê liệt. Những trận ốm, sốt cứ liên tục hành hạ chị. Học hết lớp 6, chị nghỉ ở nhà điều trị. "Có bệnh thì vái tứ phương", nghe thấy ở đâu có thầy giỏi, hai cha con Thu Hương lại tìm đến chữa chạy. Năm 2003, Thu Hương thực hiện ca phẫu thuật chân tại Bệnh viện 108 nhưng không thành. Từ đó, cuộc đời chị gắn liền với chiếc xe lăn. Chị thu mình trong căn phòng kín và trở nên trầm tư, tự ti, mặc cảm. Không đầu hàng số phận, chị quyết định tìm cho mình một việc làm nhẹ nhàng, phù hợp để cuộc sống bớt nhàm chán, giảm bớt gánh nặng cho người thân.
Một lần, chị tình cờ biết đến lớp học làm tranh giấy của cô gái xương thủy tinh Thương Thương. Chị cảm thấy đây là công việc phù hợp với mình và quyết tâm theo học. Ông trời tuy đã lấy đi của chị nhiều thứ nhưng lại ban cho chị đôi tay khéo léo. Sau một thời gian cần mẫn học nghề, Thu Hương đã có thể làm ra những sản phẩm tranh giấy đẹp, được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước yêu thích.
Có công việc và thu nhập ổn định, Thu Hương tự tin, cởi mở và hòa đồng hơn. Chị tham gia nhiều hoạt động tình nguyện tại các Câu lạc bộ và gặp anh ở đó. Chàng trai nhân hậu ấy là tình nguyện viên tại trung tâm chị Hương sinh hoạt, Trung tâm Sống tự lập. Ngay từ những ngày đầu gặp gỡ, anh đã để ý và có sự quan tâm đặc biệt đến cô gái khuyết tật hiền lành, khéo léo Thu Hương. Anh theo dõi tài khoản facebook của chị rồi dần dần mạnh dạn bắt chuyện với chị. Chị chia sẻ với anh về công việc làm tranh giấy của mình, về những khó khăn khi sống trong hình hài khiếm khuyết. Anh kể với chị về quê hương anh, về nỗi vất vả nhọc nhằn của chàng trai nghèo lên thành phố lập nghiệp. Giữa họ dần hình thành sự đồng cảm sâu sắc. Từ tình bạn bè, tri kỷ, họ bắt đầu yêu nhau từ lúc nào không biết.
Và tình yêu đơm hoa kết trái
Hơn 1 năm yêu nhau, trải qua nhiều sóng gíó, tưởng chừng như có lúc phải chia xa vì bạn bè, gia đình phản đối kịch liệt. Nhưng cuối cùng, với tình yêu chân thành, sự hy sinh cao cả cộng với bản lĩnh của người đàn ông đã giúp anh phá bỏ những định kiến của mọi người để đến bên chị, bảo vệ và che chở cho chị. Thế rồi, đám cưới anh chị cũng được cha mẹ 2 bên đồng ý và được tổ chức vào một ngày đầu năm 2015, trước sự chứng kiến của họ hàng và bạn bè 2 bên. Hạnh phúc nối tiếp, đầu năm 2016, sau nhiều ngày mang bầu vất vả, tổ ấm của chị đã đón chào thêm 1 thành viên mới, 1 bé trai kháu khỉnh. Lúc này, mọi chi phí, sinh hoạt và gánh nặng gia đình lại tăng lên và dồn hết lên vai anh Mạnh. Vất vả là thế, nhưng anh không dám kêu ca nửa lời vì anh biết vợ anh là người rất nhạy cảm và hay suy nghĩ. Anh kiếm việc làm thêm và tự xoay sở cho tổ ấm riêng của mình bớt khó khăn.
Khi được hỏi, tại sao một thanh niên mạnh khỏe, đẹp trai là mơ ước của biết bao cô gái như anh lại đồng ý lấy 1 cô gái khuyết tật như vậy. Anh không ngần ngại trả lời: “Vợ tôi tuy không khỏe mạnh, đi lại được bình thường như bao người khác, nhưng đổi lại cô ấy có 1 trái tim yêu thương và bao dung vô hạn. Cô ấy là người vợ luôn biết chia sẻ cảm xúc, biết đồng cảm với những khó khăn của chồng. Tôi luôn tự nhủ bản thân: Mình sinh ra đã khó khăn, vất vả rồi, giờ vất vả thêm chút nữa cũng có sao. Tôi nguyện suốt đời làm đôi chân của cô ấy, đưa cô ấy đi tiếp chặng đường còn lại trong cuộc đời.”
Giờ đây, niềm vui và hạnh phúc càng nhân lên gấp bội khi mỗi lần về nhà anh lại được nghe tiếng bi bô nói cười của cậu con trai. Để giảm gánh nặng cho chồng khi con đã lớn hơn, ngoài việc làm tranh giấy, chị Hương còn mở rộng kinh doanh online thêm nhiều mặt hàng như quần áo, đồ gia dụng. Có lẽ, do chị được nhiều người yêu quý, ăn nói lại có duyên nên shop online của chị thu hút được rất nhiều khách hàng. Họ không chỉ mua hàng bởi cô chủ nhỏ khéo léo mà còn bởi những sản phẩm của chị rất tinh tế, thẩm mỹ, giá cả lại phải chăng. Công việc đã làm chị quên đi mình là người khuyết tật, cuộc sống dường như có ý nghĩa hơn khi một phần gánh nặng nơi anh đã được chút bớt.
Trong nếp suy nghĩ của nhiều người, không bao giờ một người bình thường lại yêu một người khuyết tật. Nhưng câu chuyện cổ tích giữa đời thường của anh Mạnh, chị Hương là một minh chứng đầy đủ về một hạnh phúc bình dị nhưng vô cùng lớn lao trong 2 trái tim không tật nguyền. Một căn nhà tuềnh toàng, đơn sơ, không có lấy một vật dụng đáng giá nhưng lại chất đầy tình yêu thương giữa 2 con người cùng chung niềm tin vào một ngày mai tươi sáng.
Nhìn ánh mắt ngây thơ của con trẻ, nụ cười giòn tan và lạc quan của anh chị, tôi chợt thấy cuộc sống thật đáng giá và ý nghĩa biết bao. Tin rằng, hạnh phúc và tình yêu sẽ luôn song hành bên anh chị, là điểm tựa vững chắc để đôi uyên ương sát cánh bên nhau, bước tiếp con đường đầy ước mơ và hy vọng!