Trong thông báo trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Y tế Mansukh Mandaviya cho biết lực lượng chức năng vẫn đang điều tra thêm, trong khi mọi hoạt động sản xuất tại nhà máy của công ty Marion Biotech ở Noida, ngoại ô thủ đô New Delhi, đã bị ngừng kể từ tối 29/12.
Trong khi đó, ông Hasan Harris, phụ trách pháp lý của công ty công nghệ sinh học Marion Biotech, xác nhận nhà máy đang bị thanh tra và đã ngừng toàn bộ việc sản xuất dược phẩm. Marion Biotech vẫn đang chờ báo cáo điều tra của Cơ quan Quản lý dược phẩm Ấn Độ.
Hiện Bộ Y tế Ấn Độ và công ty Marion Biotech đều chưa phản hồi câu hỏi của hãng tin Reuters (Anh), sau khi có thông tin cho rằng các nhà điều tra đã phát hiện một số sai phạm về quy tắc tại một trong các nhà máy của công ty này.
Cùng ngày, trang tin uzdaily.uz của Uzbekistan dẫn nguồn Cơ quan phát triển dược phẩm Uzbekistan cho biết nước này đã tạm thời đình chỉ việc bán tất cả các loại dược phẩm của hãng Marion Biotech.
Trước đó, ngày 29/12, truyền thông Uzbekistan xác nhận trường hợp tử vong thứ 19 là trẻ 1 tuổi, liên quan tới siro Dok-1 Max của Marion Biotech. Theo thông báo của Bộ Y tế nước này, 18 trẻ đã tử vong tại thành phố Samarkand sau khi uống loại siro này. Theo Bộ Y tế Uzbekistan, siro Dok-1 Max có chứa ethylene glycol - một loại chất độc hại. Chất này đã được sử dụng cao hơn liều tiêu chuẩn dành cho trẻ em, hoặc do cha mẹ của trẻ nhầm với một loại thuốc chống cảm lạnh, hoặc dựa trên khuyến nghị của bác sĩ.
Uzbekistan đã kiện đơn vị đại diện của công ty Marion Biotech tại quốc gia Trung Á này, đồng thời yêu cầu tất cả các cửa hàng dược phẩm trên cả nước thu hồi thuốc Dok-1 Max dạng viên và dạng siro.
Hồi tháng 10 vừa qua, Chính phủ Ấn Độ đã tiến hành một cuộc điều tra sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo 4 loại siro sản xuất tại nước này có thể liên quan đến các tổn thương thận cấp tính và khiến ít nhất 70 trẻ em tử vong ở Gambia. Tuy nhiên, phía Ấn Độ đã bác bỏ những cảnh báo trên, khẳng định các sản phẩm đã được chứng minh là tuân thủ mọi thông số kỹ thuật.
Ấn Độ được biết đến là một trong số các nhà sản xuất dược phẩm của thế giới. Kim ngạch xuất khẩu dược phẩm của quốc gia Nam Á này đã tăng gấp đôi trong thập niên qua, đạt mốc 24,5 tỷ USD trong tài khóa 2021.