Hai chị em đạp xe xuyên Việt gây quỹ, rủ bạn trẻ nhặt rác để sống xanh

Nguyễn Diệp Linh
Tám năm trước, khi còn là chàng trai 18 tuổi, anh Trần Việt Dương, ở TP Biên Hòa đã thực hiện chuyến đi xuyên Việt một mình đầu tiên của mình từ cực Nam đến cực Bắc tổ quốc. Năm nay, anh Dương một lần nữa đang trên hành trình đạp xe đến thủ đô cùng người chị của mình để truyền thông điệp xanh và gây quỹ cho trẻ em nghèo trị bệnh.

30 ngày tự do, tự lo

Yêu thích đạp xe từ những năm học cấp ba, anh Trần Việt Dương, 26 tuổi, kể lại nhờ tiếp xúc với những người có niềm đam mê đi phượt bằng xe đạp, chứng kiến họ đi xuyên Việt, rồi khi tham gia các câu lạc bộ tình nguyện cũng tổ chức các chuyến đi bằng xe đạp, anh đã nhận thấy nhiều cái hay mà bộ môn này đem lại nên bén duyên từ đấy.

Anh Trần Việt Dương, 26 tuổi, đang đạp xe xuyên Việt lần hai. Ảnh: NVCCAnh Trần Việt Dương, 26 tuổi, đang đạp xe xuyên Việt lần hai. Ảnh: NVCC

Nói về lý do có chuyến đi xuyên Việt lần thứ hai này, anh cho hay mình muốn trở lại Hà Nội, khám phá cung đường ven biển Việt Nam và tận dụng khoảng thời gian đang tạm ngừng công việc kinh doanh của mình, trải nghiệm những ngày tháng còn độc thân.

Được biết trong lần lăn bánh đầu tiên, anh đi từ cực Nam đất Mũi đến cực Bắc ở Hà Giang, sự trở lại lần này cùng người chị gái của mình cũng cho anh những tâm thế và trải nghiệm khác khi hành trình có điểm đầu và cuối từ TPHCM ra thủ đô. Với sự hiểu biết cùng kinh nghiệm có sẵn, mục tiêu của hai chị em sẽ chinh phục trọn vẹn đường bờ biển Việt Nam, đạp men theo đường biển lộ trình từ Nam ra Bắc.

Hành trình tự do, tự lo điều kiện sinh hoạt của hai chị em. Ảnh: NVCC

Hành trình tự do, tự lo điều kiện sinh hoạt của hai chị em. Ảnh: NVCC

“Hai chị em tôi đã đi phượt chung nhiều lần, ban đầu tôi cũng dự định đi một mình nhưng khi thấy chị muốn thực hiện chuyến đi này nên hai chị em cũng đồng ý đi chung. Đạp xe xuyên Việt nếu hỏi có cực không thì chắc chắn có, nhưng cái chúng tôi nhận được từ hành trình như rèn luyện tính kiên trì, khả năng đối diện, ứng phó với khó khăn bất ngờ trên đường đi là điều đáng quý”, anh Dương bộc bạch.

Để sắp xếp cho chuyến “phiêu lưu” lần này, anh đã lên lịch trình ổn định công việc, tìm hiểu về các dòng xe chuyên dụng rồi tìm cho mình một người bạn phù hợp để đồng hành. Anh tiết lộ mình đã dừng đạp xe nhiều năm gần đây, anh chỉ có khoảng một tuần để tập cho quen chân bằng vài vòng quanh thành phố bên cạnh thời gian làm việc bận rộn vừa qua.

Xe đạp cùng hành lý phục vụ cho suốt chuyến đi như dọn rác, nghỉ ngơi… Ảnh: NVCC

Xe đạp cùng hành lý phục vụ cho suốt chuyến đi như dọn rác, nghỉ ngơi… Ảnh: NVCC

Anh dự tính hoàn thành hành trình trong vòng 30 ngày, có thể tăng thêm thời gian nếu đạp tiếp lên Hà Giang. Anh Dương cho biết mình đã tiết kiệm một khoản phí từ công việc kinh doanh nhiều năm qua cộng với thời gian làm thêm tích lũy trước khi đi vài tuần. Anh và chị gái tự lo chỗ ăn ngủ bằng việc cắm lều dọc biển, xen kẽ ngủ ở nhà trọ, tá túc nhà bạn bè quen biết để trải nghiệm thực tế, cũng như gói ghém chi tiêu cho chuyến đi dài.

Đạp xe không rác

Mỗi ngày, anh Dương cùng chị gái đạp trung bình từ 80-100km nhưng vẫn có thời điểm đi dưới 50km vì lộ trình có nhiều điểm dừng, tham quan đẹp mắt. Chỉ với hai chiếc xe đạp cùng hành lý nhỏ gọn, thêm một thùng rác di động, hai chị em hy vọng sẽ làm được nhiều điều hơn là ghi lại dấu ấn tuổi trẻ của mình qua chuyến du lịch này.

Trải nghiệm tự do, khám phá trên hành trình là điều anh Dương mong muốn có được trong lần đi xuyên Việt thứ hai này. Ảnh: NVCC

Trải nghiệm tự do, khám phá trên hành trình là điều anh Dương mong muốn có được trong lần đi xuyên Việt thứ hai này. Ảnh: NVCC

Hiện tại anh đang triển khai dự án song song hành trình đạp là kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng cho quỹ “Trái tim cho em” nhằm giúp đỡ các em nhỏ đang điều trị, mổ tim, vượt qua bệnh tật hiểm nghèo và dự án “Đi không rác” để truyền tải thông điệp chung tay bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ nhất. “Tôi dự định khi đến một vài tỉnh thành, bằng sự kết nối qua mạng xã hội, tôi sẽ kết hợp cùng các bạn trẻ ở đó dọn rác bờ biển hay trong môi trường tự nhiên”, anh nói.

Tuy vậy, khó khăn trong việc làm dự án “Đi không rác” chính là đạp xe có khá nhiều bất cập ở khâu tổ chức dọn rác nên không thể thực hiện triệt để, anh cũng đưa ra phương án sẽ liên hệ với bạn bè, cộng đồng những người trẻ chung mục tiêu bảo vệ môi trường tại tỉnh thành sắp tới cùng nhau hỗ trợ.

Hiện tại ở miền Trung đã vào mùa mưa, hai chị em đang có những ngày du ngoạn nơi đây, anh tâm sự mình khá lo lắng cho hành trình sắp tới bởi cái nắng mưa khắc nghiệt cũng làm cho hai chị em xây xẩm và mất nhiều sức lực. Thêm vào đó, việc đạp qua các con đèo dốc cũng là trở ngại lớn với người chị của anh, tuy vậy, đằng sau những giọt mồ hôi, hai người trẻ luôn tâm niệm đó đều là số ki-lô-mét hạnh phúc.

Người chị đồng hành cùng anh Việt Dương. Ảnh: NVCC

Người chị đồng hành cùng anh Việt Dương. Ảnh: NVCC

Theo anh Việt Dương, một chuyến xuyên Việt tốt cần lắm ở chúng ta sự kiên trì và ý chí lớn khi người đồng hành cùng ta không ai khác ngoài chiếc xe. Ai cũng sẽ đi qua những đoạn đường quốc lộ đông người hay những tuyến đường chỉ là vùng biển hoang sơ vắng vẻ, vì thế việc chuẩn bị tâm thế cùng những kỹ năng cần thiết để sửa chữa xe đạp, chăm sóc bản thân, ứng phó với mọi tình huống là điều cần thiết.

Cung đường ven biển nơi hai người đi qua. Ảnh: NVCC

Cung đường ven biển nơi hai người đi qua. Ảnh: NVCC

Lăn bánh dọc đường biển Việt Nam, gặp những “đồng đạp”, người lạ ngỡ như quen thân, anh Dương không khỏi xúc động vì sự hiếu khách, tốt bụng của người dân, luôn sẵn lòng giúp đỡ khi hai người gặp khó khăn. “Thật sự đây là cột mốc đáng nhớ của hai chị em vì tôi thì được ngắm nhìn đất nước trong lần hai, tự do làm điều mình muốn, còn chị mình thì lần đầu đạp xe xuyên Việt cũng là dấu ấn khó quên. Chị tôi từng đi du lịch bảy nước châu Âu và các nước châu Á nhưng vẫn cảm thấy yêu và hạnh phúc với những vùng biển Việt Nam”, anh chia sẻ.