Việc làm ý nghĩa
"CLB ngân hàng máu sống Facebook Quảng Ngãi" là nơi thường xuyên đăng tải lời kêu gọi hiến máu, lịch hiến máu, danh sách người cần máu. Quản trị viên của nhóm là anh Đào Nhật Sơn (35 tuổi), đang công tác ở Ủy ban MTTQ VN tỉnh Quảng Ngãi. Anh Sơn đã có hơn 60 lần hiến máu. Cùng với anh trai, anh Đào Nhật Khoa (33 tuổi), giáo viên Trường THPT Ba Tơ (Quảng Ngãi) - cũng có khoảng 40 lần góp "giọt máu hồng" chia sẻ cùng cộng đồng.
Anh Sơn cho biết năm 2016 anh tham gia hiến máu theo chương trình của cơ quan. Khi người thân của một người bạn cần tiểu cầu, anh quyết định hiến tặng. Sau đó, anh hỏi kỹ thuật viên sự khác nhau giữa hiến máu toàn phần và hiến tiểu cầu. Chàng trai nhóm máu O được biết hiến tiểu cầu rất quan trọng và cần thiết. Vì vậy, anh thành lập "CLB ngân hàng máu sống Facebook Quảng Ngãi" để mọi người cùng chung tay tham gia, lan tỏa yêu thương đến người bệnh.
"Khi tôi chứng kiến những bệnh nhân thiếu tiểu cầu luôn trong tình trạng lo lắng, bản thân có thể giúp được nên tôi rất sẵn lòng, chia sẻ bớt nỗi lo với họ. Tính mạng con người phải đặt lên hàng đầu nên tôi không suy nghĩ gì chỉ cần cứu được họ qua giai đoạn khó khăn là thấy hạnh phúc. Tôi muốn mang lại niềm vui, sự yên tâm cho người già, bệnh nhân duy trì sự sống, hoặc giúp họ vượt qua cơn nguy kịch là thấy rất ý nghĩa", anh nói.
Thời gian hiến máu toàn phần cách nhau khoảng 3 tháng, còn hiến tiểu cầu sau 21 ngày có thể hiến tiếp nên anh đã tham gia hiến thường xuyên. Để có lượng tiểu cầu đủ, anh duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Trước khi hiến, anh hạn chế tuyệt đối việc thức khuya, uống rượu, bia tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng máu. "Một lần khi đang nằm ngủ, tôi nhận được cuộc gọi với nội dung: "Anh ơi, cho em xin tí máu". Tôi giật mình và nghĩ bản thân không dính dáng tới dân xã hội sao lại có người xin máu. Sau khi người nhà bình tĩnh mới vỡ lẽ, bệnh nhân bị sốt xuất huyết đang cần gấp tiểu cầu nhóm máu O. Tôi tỉnh giấc, chạy xe lên bệnh viện hiến giúp họ", anh kể lại.
Sẵn sàng giúp đỡ
Hơn 60 lần hiến máu nhưng chỉ khoảng dưới 10 lần anh Sơn biết người nhận là người quen. Mỗi khi hiến xong, anh đều âm thầm đi về để người nhà không phải gặp cảm ơn, chỉ mong bệnh nhân bình phục. Gia đình cũng thường xuyên động viên, ủng hộ hai anh em tham gia hiến máu. "Tôi có lịch hiến cố định nhưng nếu bận việc tháng đó không được hiến trong cơ thể sẽ thấy khác biệt. Tôi thường nói vui là thèm được hiến, muốn được cho đi, tới thời điểm là lo đi hiến máu. Tôi với mọi người luôn trong tâm thế chủ động, sẵn sàng giúp đỡ", người đàn ông bộc bạch.
Còn với anh Khoa, khi chứng kiến những bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em, anh luôn có tình thương đặc biệt. Với bản thân chỉ là một đơn vị máu nhưng đối với người bệnh là sinh mạng. Vì thế, anh luôn sẵn sàng hiến máu khi người bệnh cần. Năm 2018, thầy giáo Khoa biết CLB hiến máu qua anh trai, hành trình hiến máu thầm lặng cũng bắt đầu từ đó.
"Mọi người tiếp nhận thông tin từ bệnh viện hoặc bệnh nhân, sau đó trực tiếp đến bệnh viện để hiến. Giữa tình nguyện viên với bệnh nhân không biết đến nhau nhưng tôi luôn sẵn sàng hiến máu khi bệnh nhân cần dù ban ngày hay đêm, họ cần tôi sẽ có mặt", anh chia sẻ.
Anh Nguyễn Thanh Lời, kỹ thuật viên của Khoa Huyết học truyền máu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, chia sẻ: "Tôi làm công tác vận động người hiến máu nên rất trân quý và cảm kích với những người thường xuyên đi hiến giống hai anh em Sơn và Khoa. Việc làm này vừa đáp ứng nhu cầu giúp người bệnh, vừa lan tỏa nghĩa cử cao đẹp cho cộng đồng".